Chứng khoán Nhật giảm sâu do hoạt động chốt lời

Chứng khoán Nhật tiếp tục giảm sâu do hoạt động chốt lời giữa lúc phát biểu của ông Tập Cận Bình gây lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đa phần các thị trường chứng khoán châu Á đã cân bằng trở lại trong phiên giao dịch ngày 27/5, thị trường Nhật Bản tiếp tục giảm sâu do hoạt động chốt lời giữa lúc những phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gây thêm lo ngại về kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,15%, sau khi mất tới 2,6% trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Năm năm ngoái, xuống các mức thấp nhất trong một tháng.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 469,8 điểm, hay 3,22%, xuống 14.142,65 điểm, sau khi biến động mạnh trong tuần trước. Chỉ số weighted của Đài Loan tăng 70,32 điểm, hay 0,85%, lên 8.280,1 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 6,52 điểm, hay 0,33%, lên 1.979,97 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 67,38 điểm, hay 0,3%, lên 22.686,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 4,54 điểm, hay 0,2%, lên 2.293,08 điểm, song mức tăng bị khống chế vì những lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Chỉ số S&P/ASX200 của Ôxtrâylia giảm 0,47%, xuống 4.959,9 điểm.

Nhà phân tích Masahiro Yamaguchi ở Mizuho Securities nhận định hoạt động chốt lời tại thị trường Nhật Bản đang được tiếp tục khi các thị trường New York và London đóng cửa và nhà đầu tư theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ.

Ông cho rằng thị trường Nhật Bản đang trải qua giai đoạn điều chỉnh, sau khi tăng điểm trong những tuần gần đây. Chỉ số Nikkei liên tục tăng điểm cho đến phiên 23/5, khi chỉ số này giảm 7,3%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ khi xảy ra động đất-sóng thần năm 2011, sau khi số liệu đáng thất vọng về kinh tế Trung Quốc đã thổi bùng mối lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đối tác thương mại chủ chốt của Nhật Bản.

Theo nhân viên điều hành ở Tachibana Securities, Kenichi Hirano, thị trường đã phần nào hạ nhiệt, song các nhà đầu tư còn chưa hết sốc vì cú lao dốc bất ngờ vừa qua và chưa sẵn lòng mua vào trở lại. Nhưng dù cú sốc trong tuần trước vẫn kéo sang tuần này, các nền tảng vẫn được giữ vững sẽ giúp thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục đi lên trong dài hạn.

Trong khi đó, sự không chắc chắn về việc khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt chương trình mua tài sản cũng tác động đến các thị trường sau khi những phát biểu của Chủ tịch Fed Ben Bernanke tuần trước gây ra những cách hiểu khác nhau.

Tuy nhiên, các thị trường châu Á không chịu sự chi phối lớn từ thị trường Mỹ, khi thị trường này đóng cửa không biến động vào cuối tuần trước trong một phiên giao dịch mà nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ lễ Tưởng niệm trong ba ngày.

Những phát biểu từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước này không hy sinh môi trường vì sự tăng trưởng kinh tế tạm thời đã tăng thêm lo ngại về sự phục hồi chậm hơn của Trung Quốc, căn cứ vào số liệu yếu kém trong lĩnh vực chế tạo.

Số liệu sơ bộ về chỉ số quản lý sức mua mà HSBC công bố cuối tuần trước giảm xuống mức thấp trong bảy tháng là 49,6 điểm trong tháng Năm, cho thấy sự sụt giảm của lĩnh vực chế tạo ở nước này./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục