ASEAN sẽ tăng trưởng từ 4,9 đến 5,6% năm 2010

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN nhận định kinh tế khu vực sẽ đạt mức tăng từ 4,9 đến 5,6% trong năm 2010, cao hơn năm trước.
Sau một ngày làm việc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh, tối 8/4, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14 đã kết thúc tốt đẹp và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, làm tiền đề cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập tiền tệ và tài chính khu vực.

Trước hết, Hội nghị nhận định ASEAN đã duy trì được tăng trưởng, bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới. Các chính sách hướng tới kinh doanh và sự chủ động đối phó của từng nước đã giúp các nền kinh tế ASEAN giảm nhẹ tác động xấu từ bên ngoài, nhanh chóng thu hút lại các luồng vốn đầu tư.

Hội nghị nhận định kinh tế của khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng từ 4,9 đến 5,6% trong năm 2010, cao hơn mức 1,5% của năm trước.

Các bộ trưởng cũng đánh giá tiến triển của các cam kết đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2015, trong đó đáng kể là việc tăng cường hệ thống tài chính và duy trì ổn định tài chính khu vực; sự vận hành công cụ hoán đổi trị giá 120 tỷ USD trong khuôn khổ Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và hướng tới việc thành lập cơ quan giám sát khu vực của CMIM vào đầu năm tới; thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) vào tháng 5, nhằm thúc đẩy hơn nữa các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực...

Hội nghị tái khẳng định cam kết về hội nhập tài chính trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển thị trường vốn, tự do hóa dịch vụ tài chính và tự do hóa tài khoản vốn. Đồng thời việc nghiên cứu xây dựng bộ khung và lộ trình trên vẫn được tiếp tục, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tài chính rộng hơn của ASEAN vào năm 2015.

Trong mục tiêu phát triển và hội nhập thị trường vốn, ASEAN đang triển khai xây dựng sự nhận biết thương hiệu đối với các sản phẩm của ASEAN, nâng cao các tiêu chuẩn quản lý, xây dựng niềm tin trong khu vực và toàn cầu đối với các tiêu chuẩn ASEAN thông qua các cơ chế thừa nhận lẫn nhau, và thúc đẩy các luồn vốn tiếp cận các thị trường.

Bản “ASEAN và các chuẩn mực bổ sung” để chào bán chứng khoán ở nhiều quốc gia trong khu vực đã được áp dụng tại Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Ngoài ra, Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề tăng cường công tác giám sát khu vực, tự do hóa dịch vụ tài chính, tài trợ vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác bảo hiểm, hội nhập hải quan...

Các Bộ trưởng ASEAN đã có phiên thảo luận hiệu quả với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Daboub và Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Shinohara, qua đó kêu gọi các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ, hợp tác khu vực mạnh mẽ hơn thông qua các sáng kiến và cam kết nhằm góp phần vào sự phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng./.

Tiên Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục