Rác thải từ nước phát triển chuyển sang nước nghèo

Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo về việc ngày càng có nhiều rác thải công nghiệp độc hại từ các nước phát triển chuyển sang các nước nghèo ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.

Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh báo về việc ngày càng có nhiều rác thải công nghiệp độc hại từ các nước phát triển chuyển sang các nước nghèo ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.

Ngoài những chuyến hàng được vận chuyển hợp pháp theo sự đồng thuận của các quốc gia xuất và nhập khẩu, có rất nhiều tàu chở các loại hàng hóa nguy hiểm cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường này "đổ bộ" bất hợp pháp lên lãnh thổ các nước nghèo.

Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường đã có những nỗ lực để ngăn chặn những chuyến hàng độc hại trái phép này. Cuối tháng 9 vừa qua, tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra hội nghị về thực trạng "xuất khẩu" các loại rác thải từ các nước giàu sang châu Á và khu vực Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Richard Guitierrez, Giám đốc điều hành "Ban Toxics", tổ chức theo dõi việc thi hành công ước Basel về kiểm soát các hoạt động vận chuyển xuyên quốc gia các chất thải độc hại, cho rằng nguyên nhân là vì xuất khẩu rác thải đỡ tốn kém hơn việc phải xử lý rác thải trong nước và lại không gây hại môi trường nước sở tại.

Theo "Ban Toxics", nhiều loại rác thải điện tử của Mỹ được chuyển một cách bất hợp pháp sang các nước châu Á, nhiều nhất là sang Trung Quốc mặc dù Bắc Kinh đã có luật cấm việc vận chuyển hàng hóa đặc biệt này.

Mặt khác, theo các hiệp định thương mại song phương, Nhật Bản được phép xuất rác thải điện tử sang các nước đối tác châu Á dưới hình thức là hàng tiêu dùng. Các nước đã ký hiệp định này với Nhật Bản là Indonesia, Thái Lan, Singapore, Bruney và Malaysia.

Hiện Tokyo đang thương lượng với một số nước châu Á, trong đó có Ấn Độ và Hàn Quốc về những thỏa thuận song phương tương tự.

Ông Huib Van Western, thanh tra Cơ quan điều tra thuộc Bộ Nhập cư và Môi trường Hà Lan, cho biết mỗi ngày có ít nhất một tàu chở rác thải nguy hiểm khởi hành từ cảng Amsterdam (Hà Lan) tới châu Phi hoặc châu Á. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại trong việc phân biệt hàng phế thải vì chúng được ngụy trang dưới hình thức hàng còn sử dụng được.

Hội nghị vừa qua do Liên hợp quốc tổ chức vẫn chưa thông qua được công ước về việc vận chuyển rác thải độc hại do các nước châu Á vẫn tiếp nhận rác thải để kiếm lời, bất chấp những cảnh báo về tác hại đến môi trường và sức khỏe người dân./. (TTXVN)















 

Tin cùng chuyên mục