Chứng khoán châu Á đỏ sàn vì tin xấu từ châu Âu

Chứng khoán châu Á vẫn đồng loạt đỏ sàn trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/1 trong bối cảnh đồng euro tiếp tục mất giá.
Bất chấp những số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ, chứng khoán châu Á vẫn đồng loạt đỏ sàn trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/1, trong bối cảnh đồng euro tiếp tục mất giá trước những lo ngại mới dấy lên xung quanh hai quốc gia Italy và Tây Ban Nha khi hai nước này đang phải đối mặt với những khó khăn mới từ cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone.

Các nhà đầu tư châu Á đã đi theo xu hướng bi quan từ thị trường châu Âu sau khi Madrid cảnh báo, các ngân hàng của nước này nắm giữ nhiều khoản nợ xấu hơn dự kiến, trong khi đợt đấu thầu trái phiếu của Pháp hôm 5/1 cũng không thành công như mong đợi, còn lãnh đạo của Italy thì bất ngờ tới Brussels, Bỉ.

Tại Tây Ban Nha, tân Bộ trưởng kinh tế nước này, ông Luis de Guindos cảnh báo, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha có thể có tới 50 tỷ euro (65 tỷ USD) nợ xấu, cao hơn nhiều so với mọi dự đoán.

Chính phủ mới của Tây Ban Nha cũng cho biết, tình hình tài chính tại các quỹ an sinh xã hội của nước này cũng kém hơn nhiều so với các dự đoán.

Tại Pháp, nơi xếp hạng tín nhiệm bậc cao nhất AAA đang có nguy cơ bị đánh tụt, đợt bán trái phiếu chính phủ mới nhất hôm 5/1 chỉ có lượng mua rất thấp, tương tự như đợt bán trái phiếu trước đó của Đức.

Còn tại Italy, Thủ tướng Mario Monti tới thăm Brussels, Bỉ mà không hề có kế hoạch trước.

Theo các nhà phân tích, tâm lý thị trường hiện đang hết sức dao động. Một mặt là các số liệu tích cực từ nền kinh tế đầu tàu Mỹ, còn mặt kia là tình hình u ám tại châu Âu. Và trong bối cảnh đó, có vẻ như các nhà đầu tư thích lựa chọn phương án thận trọng hơn.

Đóng cửa phiên 5/1, tất cả các sàn chứng khoán chủ chốt trong khu vực đều giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,16% (tương đương mất 98,36 điểm) xuống 8.390,35 điểm; A&P/ASX200 của Sydney giảm 0,83% (-34,1 điểm) xuống 4.108,5 điểm; Weighted của Đài Loan lùi 0,15% (-10,35 điểm) về 7.120,51 điểm; KOSPI của Hàn Quốc bốc hơi 0,13% (-2,48 điểm) xuống 1.863,74 điểm.

Hai thị trường lớn khác là Trung Quốc và Hong Kong cũng không tránh khỏi xu hướng giảm chung, khi chỉ số Hang Sheng của Hong Kong để mất 0,46% (-86,10 điểm) xuống 18.813,41 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng hạ 0,97% (-20,94 điểm) xuống 2.148,45 điểm.

Trước đó, trong phiên ngày 5/1 trên thị trường chứng khoán Mỹ, Phố Wall đã có một phiên biến động trái chiều trong bối cảnh thị trường đón nhận những thông tin tốt đẹp trên thị trường việc làm trong tháng 12/2011.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/1, chỉ số S&P 500 ghi thêm 3,76 điểm, tương ứng tăng 0,29% lên 1.281,06 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến thêm 21,50 điểm (0,81%) lên 2.669,86 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại lội ngược dòng khi vào cuối phiên lại trượt dài để rồi kết thúc trong sắc đỏ, song độ "mất mát" khá khiêm tốn, chỉ có 2,72 điểm (0,02%) xuống 12.415,70 điểm.

Hỗ trợ cho các cổ phiếu trong phiên này là số liệu tích cực từ thị trường việc làm Mỹ, với khu vực tư nhân tuyển thêm đến 325.000 việc làm trong tháng 12/2011, cao hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các chuyên gia. Báo cáo việc làm hàng tuần của chính phủ cũng cho thấy số người thất nghiệp đã giảm đều đặn trong suốt hai tháng gần đây.

Còn tại châu Âu, với "bóng ma" nợ công tại khu vực Eurozone vẫn tiếp tục ám ảnh, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn ngập trong sắc đỏ.

Đóng cửa phiên 5/1, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,78% xuống 5.624,26 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp mất 1,75% xuống 3.144,91 điểm và chỉ số DAX của Đức cũng trượt 0,25% xuống 6.095,99 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục