Quý 3, ngành chứng khoán thêm một mùa “lận đận”

Thị trường đã có hơn 30 công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 3, một nửa trong số đó là các công ty có lợi nhuận âm.
Từ giữa tháng Mười, các công ty chứng khoán đã dần công bố kết quả kinh doanh quý 3/2012 của mình, nhìn chung kết quả kinh doanh trong kỳ này là khá bi quan, tình trạng kinh doanh thua lỗ đã lan sang cả khối các công ty chứng khoán lớn.

Hiện trên thị trường đã có trên 30 công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 3, một nửa trong số đó là các công ty có kết quả lợi nhuận âm.

Cuốn theo… thị trường

Cụ thể, Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) đã báo lỗ trong quý 3/2012 là 91,5 tỷ đồng, trước đó trong quý 2, KLS  lỗ 11,53 tỷ đồng và như vậy lũy kế từ đầu năm đến nay, công ty này đang lỗ 41,5 tỷ đồng.

Theo KLS, trong quý 3, doanh thu của công ty chỉ đạt 34 tỷ đồng, giảm mạnh 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động môi giới gần 1 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng 3%. Phần lớn doanh thu đến từ danh mục thu nhập khác chiếm 91% với  hơn 31 tỷ đồng.

Điều đáng nói, KLS đã trích lập gần 120 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán, dẫn đến chi phí hoạt động của công ty tăng vọt gấp 3,5 lần cùng kỳ, chiếm gần 131 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Long, Phó Tổng giám đốc, Công ty chứng khoán Phố Wall cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng lớn từ mảng kinh doanh chứng khoán. Trong quý 3, thị trường xuất hiện hai đợt bẫy giá, thời điểm từ 9/7 đến 19/7 cả hai chỉ số chính đều có đà tăng giá mạnh, VN-Index từ 405 điểm đi lên mức 437 điểm đồng thời HNX cũng tăng từ 68 điểm lên gần sát mốc 73 điểm.

“Tương tự, trong tháng Tám thị trường cũng xuất hiện tín hiệu 'giả' về sự phục hồi, cộng thêm những thông tin vĩ mô như việc chỉ số CPI giảm, Chính phủ ra quyết tâm thực hiện những cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó lãi suất ngân hàng cũng từng bước giảm đã thúc đẩy các thành viên cùng đặt kỳ vọng vào thị trường. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó lại không đạt như kỳ vọng và tất cả từ nhà đầu tư, đến công ty chứng khoán đều mắc kẹt và thua lỗ nặng nề,” ông Long nói.

Đối với Công ty chứng khoán ACB (ACBS) mặc dù kết quả kinh doanh cả 9 tháng vẫn có mức lãi ròng hơn 142 tỷ đồng song trong quý 3 này, ACBS đã phải gánh mức lỗ gần 56 tỷ đồng.

Quý 3, ACBS đạt 116 tỷ đồng doanh thu trong đó doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 75 tỷ đồng và doanh thu hoạt động môi giới đạt 17,6 tỷ đồng. Trong khi, chi phí hoạt động kinh doanh lên tới gần 180 tỷ đồng khiến ACBS lỗ 56 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) quý 3 BSI lỗ gần 7,7 tỷ đồng do doanh thu giảm gần 50% cùng kỳ 2011 tuy nhiên lũy kế 9 tháng công ty vẫn lãi gần 47,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh, nền kinh tế khó khăn chắc chắn ngành chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, hơn thế nữa trong thực tế số lượng hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường là quá nhiều và nó làm phân tán nguồn lực của thị trường.

“Tình trạng những lãnh đạo công ty chứng khoán bị kiện tụng và vướng vào vòng lao lý trong thời gian qua cũng cho thấy sự non yếu trong quản trị của nhiều công ty trong ngành này. Các công ty chạy đua lợi nhuận, lách luật phá rào tăng tỷ lệ ký quỹ hay thậm chí là cho khách hàng vay chứng khoán bán khống đã khiến thị trường càng thêm phức tạp. Và khi nhà đầu tư bị tổn thương thì công ty chứng khoán cũng không tránh được tình trạng mất vốn,”

Lãi cũng… trầy trật

Bên cạnh đó, thị trường cũng có một số công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh hiệu quả trong quý 3, song mức lãi của các công ty này dường như cũng chỉ là “nhỏ giọt” và điểm chung lợi nhuận có được lại nhờ hoạt động kinh doanh khác lĩnh vực kinh doanh chính.

Công ty  Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3,  ghi nhận mức lãi ròng gần 44 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Phải nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đẩu của năm nên lũy kế 9 tháng đầu năm, HCM giữ có thể đạt mức lợi nhuận 208 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Một trong những công ty chứng khoán hàng đầu, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng công bố Báo cáo tài chính quý 3 của công ty mẹ có mức lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng và giảm mạnh so với mức 62 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ doanh thu của SSI đạt 193 tỷ đồng, trong đó mảng môi giới chỉ mang về gần 22 tỷ đồng và tự doanh chiếm là 82 tỷ đồng, song bên cạnh đó chi phí hoạt động kinh doanh lại chiếm 175 tỷ đồng, riêng chi phí dự phòng chứng khoán chiếm 84 tỷ đồng.

Giám đốc Marketing tại một công ty chứng khoán hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực môi giới và cung cấp dịch vụ cho biết, công ty ông không có mảng tự doanh và đảm bảo chặt quy trình quản trị rủi ro nên không bị tổn thất nặng. Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trong quý lại giảm mạnh, do thanh khoản bình quân của thị trường niêm yết đã giảm sút xuống quanh mức 300–400 tỷ đồng/phiên, miếng bánh quá nhỏ mà phải chia cho hơn 100 công ty chứng khoán nên nguồn thu từ mảng môi giới rất ít ỏi.

“Thị trường biến động bất thường nên công ty chủ trương giữ tiền mặt nhằm bảo đảm an toàn cao, song lãi suất huy động trong thời gian qua lại giảm mạnh từ mức phổ biến 17-18% xuống 9% cũng đã ảnh hưởng lớn nguồn thu của công ty, vì vậy lợi nhuận quý 3 của chúng tôi rất thấp. Tình trạng của các công ty chứng khoán nói chung đang phản ánh bức tranh trung thực của nền kinh tế,” giám đốc marketing trên cho hay.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND)  quý 3 lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý, doanh thu của công ty đạt hơn 50 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu là thu nhập khác 71% với 35,7 tỷ đồng, trong đó, lãi tiền gửi hơn 28 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chỉ chiếm 25%, tương đương 12 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng trong tình trạng như trên, Công ty chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng trong quý 3, lũy kế 9 tháng lợi nhuận sau thuế đạt 7.5 tỷ đồng. Mặc dù trong quý này MBS tiếp tục giữ vị trí cao trong Top 10 về thị phần môi giới chứng khoán tại HoSE và HNX, song MBS ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng gần 226 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu đến từ doanh thu khác 47% với 105 tỷ đồng và 40 tỷ đồng đến từ môi giới, chiếm 18%.

Kết thúc quý 3, hầu hết các chuyên gia trên thị trường vẫn tiếp tục lo ngại về những khó khăn, thách thức trong ba tháng cuối của năm 2012.

Ông Long dự báo: “Con đường trước mắt còn quá nhiều chông gai, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì nói chung các chính sách hỗ trợ thị trường sẽ chưa có gì đôt biến, tuy nhiên tôi hy vọng tâm lý của nhà đầu tư sẽ ổn định hơn sau khi những những lo lắng tiêu cực đã phản ánh hết vào giá chứng khoán trên thị trường và theo đó kỳ vọng thanh khoản từ nay đến cuối năm sẽ có những bước chuyển biến tích cực hơn”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục