Bầu cử QH và chính quyền địa phương tại châu Âu

Ngày 14/10 trở thành ngày bầu cử sôi động tại châu Âu khi nhiều nước tiến hành bầu cử lập pháp và chính quyền địa phương các cấp.
Ngày 14/10 đã trở thành ngày bầu cử sôi động tại châu Âu khi nhiều nước tiến hành các cuộc bầu cử lập pháp và chính quyền địa phương các cấp.

Tại Litva, cuộc bầu cử quốc hội khóa mới đã bắt đầu lúc 7h sáng ngày 14/10 (tức 11h cùng ngày theo giờ Hà Nội).

Quốc hội Litva có nhiệm kỳ 4 năm và gồm 141 ghế, trong đó 71 ghế được bầu trực tiếp theo hình thức phổ thông đầu phiếu và 70 ghế được bầu theo tỷ lệ đại diện.

Tham gia cuộc bầu cử lập pháp năm nay có 2.000 ứng cử viên đại diện cho một liên minh và 17 chính đảng.

Để giành quyền đại diện tại Quốc hội Litva khóa mới, liên minh tranh cử phải giành được 7% số phiếu ủng hộ của cử tri trong khi quy định tương tự đối với mọi chính đảng chỉ là 5% số phiếu bầu. Cuộc bầu cử sẽ được công nhận nếu có trên 25% số cử tri đi bỏ phiếu.

Theo Ủy ban Bầu cử trung ương, Litva hiện có gần 2,6 triệu cử tri. Song song với cuộc bầu cử quốc hội còn diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử Visaghin.

Hôm nay cũng là ngày bầu cử sôi động của Liên bang Nga với một loạt các cuộc bầu cử chính quyền các cấp tại 77/83 khu vực.

Do nước Nga trải dài trên nhiều múi giờ nên cuộc bầu cử chính quyền tại Kamchatka bắt đầu sớm nhất.

Theo Ủy ban Bầu cử trung ương (SIK), nét nổi bật trong đợt bầu cử này là lần đầu tiên sau gần 8 năm, việc bầu trực tiếp thống đốc các khu vực được thực hiện trở lại.

Một điểm đặc biệt nữa là có tới 26 chính đảng (với hơn 3.000 ứng cử viên) tham gia tranh cử so với 7 chính đảng trước đây, do nhiều chính đảng mới được thành lập theo một đạo luật sửa đổi.

Tuy nhiên, các ứng cử viên chủ yếu thuộc những chính đảng lớn như Nước Nga thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Nước Nga công bằng.

Để có đại diện tại Duma cấp địa phương, các chính đảng cần phải giành ít nhất 7% số phiếu ủng hộ trong khi ứng cử viên độc lập chỉ cần giành số phiếu quá bán tại khu vực bầu cử của mình.

Cùng ngày, Montenegro tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn và đây là cuộc bầu cử thứ ba kể từ khi nước này tách khỏi Liên bang Nam Tư và tuyên bố độc lập năm 2006.<

Tham gia tranh cử có 7 khối, 5 chính đảng và một nhóm công dân.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, phe đối lập có nhiều cơ hội giành được kết quả cao hơn trước, trong khi uy tín của liên minh cầm quyền giảm sút do tình hình kinh tế Montenegro thời gian qua tiếp tục xấu đi.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát và nợ quốc gia tăng, chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và người nghèo lớn nhất châu Âu đã khiến một bộ phận cử tri chuyển sang ủng hộ đảng "Montenegro tích cực".

Đảng này mới được thà nh lập, lấy khẩu hiệu là "Ý tưởng mới, con người mới". Theo thăm dò trước bầu cử, đảng "Montenegro tích cực" có thể nhận được ít nhất 10% phiếu bầu.

Trong trường hợp này, liên minh cầm quyền "Vì một Montenegro của châu Âu" có thể mất đa số và phải tìm kiếm liên minh với các đảng thiểu số.

Quốc hội Montenegro tuyên bố giải thể hôm 26/7, mở đường cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn nhằm thành lập chính phủ mới với nhiệm vụ chiến lược đề ra là đẩy nhanh quá trình đưa nước cộng hòa này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Bỉ diễn ra hôm nay cũng được dư luận quan tâm vì kết quả sẽ cho thấy liệu những đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở khu vực Flaman nói tiếng Hà Lan có củng cố được vị thế của mình hay không

Những đảng này chủ trương đòi độc lập cho khu vực Flaman./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục