Áo rút quân gìn giữ hòa bình khỏi Cao nguyên Golan

44 binh sỹ cuối cùng của Áo đã rời khỏi Cao nguyên Golan, kết thúc gần 40 năm tham gia gìn giữ hòa bình tại biên giới Israel, Syria.
Ngày 31/7, nhóm 44 binh sỹ gìn giữ hòa bình cuối cùng của Áo đã rời khỏi Cao nguyên Golan trở về nước, kết thúc gần 40 năm tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại biên giới Israel và Syria.

Máy bay chở nhóm binh sỹ này đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Schwechat ở thủ đô Vienna của Áo.

Áo là nước đóng vai trò "xương sống" của Lực lượng Giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF) khi cung cấp tới 377 trong số 911 nhân viên lực lượng này.

Đầu tháng Sáu vừa qua, Áo đã quyết định ngừng tham gia sứ mệnh của UNDOF, sau khi lực lượng đối lập tại Syria chiếm trạm kiểm soát biên giới, nơi cung cấp hậu cần cho lực lượng gìn giữ hòa bình Áo.

Sau khi Áo công bố quyết định trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mátxcơva sẵn sàng thay thế các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Áo, song Liên hợp quốc đã từ chối đề nghị của Nga do Hiệp định ngừng bắn giữa Syria và Israel ký năm 1974 không cho phép binh sĩ gìn giữ hòa bình của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia UNDOF.

Tuy nhiên, hiện Liên hợp quốc đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Phigi tăng số lượng binh sỹ trong UNDOF lên 562 và thay thế binh sỹ gìn giữ hòa bình của Áo. Nepal cũng sẽ cử thêm 100 binh sỹ.

Ngoài Áo, các nước Fiji, Ấn Độ và Philippines cũng góp quân cho lực lượng này.

Trước đó, cuối tháng Sáu, UNDOF đã quyết định gia hạn sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan thêm sáu tháng, đến ngày 31/12, đồng thời cho phép họ được quyền sử dụng thiết giáp và vũ khí tự động.

Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Trung Đông. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel chiếm giữ vùng đất rộng tới 1.200km2 ở Golan và sáp nhập vào lãnh thổ của mình dù không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 1973, Israel và Syria ký Hiệp định ngừng bắn, theo đó Damascus không được đưa quân đội tới khu vực này. Tuy nhiên, hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh, buộc Liên hợp quốc phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát việc thực thi hiệp định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục