Chứng khoán toàn cầu biến động không đồng nhất

Sau phiên giao dịch trên sàn chứng khoán Phố Wall 29/3, chứng khoán châu Á đã mở màn phiên cuối tuần 30/3 trong sắc xanh xen đỏ.
Sau phiên giao dịch "đỏ rực" hôm 29/3 cùng sự phân hóa trên sàn chứng khoán Phố Wall trong cùng ngày, chứng khoán châu Á đã mở màn phiên cuối tuần 30/3 trong sắc xanh xen lẫn đỏ. 

Ngay từ những phút giao dịch đầu tiên của phiên cuối tuần, đồng thời là phiên cuối cùng của tháng Ba, chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc đã bật tăng 0,31% (tương đương tăng 7,01 điểm), lên 2.259,17 điểm, do các nhà giao dịch tranh thủ mua vào cổ phiếu đang ở vùng giá khá hấp dẫn sau những phiên giảm điểm trước đó. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng mức tăng này có thể sẽ bị chặn lại do những số liệu kinh tế không mấy sáng sủa. 

Ngược lại, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mở cửa tiếp tục để mất ngay 0,87% (-179,73 điểm) về 20.429,66 điểm.

Màu đỏ cũng xuất hiện ngay từ đầu phiên tại sàn chứng khoán Tokyo với chỉ số Nikkei 225 để mất ngay 0,59%, tương đương giảm 59,29 điểm, xuống 10.055,50 điểm. Tâm lý các nhà đầu tư đang khá bất ổn sau phiên đi xuống của Phố Wall đêm trước cũng như những số liệu không được như kỳ vọng của sản lượng công nghiệp tại nước này trong tháng 2/2012 (bất ngờ sụt giảm tới 1,2%).

Sự lo ngại về việc đồng yen lại tăng giá cũng tạo sức ép lên thị trường. Tại thị trường New York vào cuối phiên hôm 29/3, đồng bạc xanh đã tụt xuống dưới mức 82 yen, chỉ còn 81,90 yen. Các nhà phân tích nhận định, nhìn chung, tâm lý thị trường đang khá tiêu cực. 

Đêm 29/3 tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng tăng giảm trái chiều khi các nhà đầu tư có vẻ như không định hướng được các giao dịch của họ trong bối cảnh thiếu vắng các số liệu kinh tế hỗ trợ. Số liệu về GDP tăng trưởng 3,0% trong quý IV/2011 cùng lượng người đăng ký xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục sụt giảm trong tuần qua cũng không gây nhiều ấn tượng đối với các nhà đầu tư. 

Đóng cửa phiên 29/3, chi có chỉ số Dow Jones Industrial Average là tăng điểm khi ghi thêm 19,61 điểm (+0,15%) lên 13.145,821 điểm; còn hai chỉ số chính khác đều giảm điểm, với S&P 500 mất 2,26 điểm (-0,16%) xuống 1.403,28 điểm; trong khi Nasdaq lùi 9,60 điểm (-0,31%) về 3.095,36 điểm. 

Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng vẫn chưa hết sắc đỏ khi các nhà đầu tư lại lo ngại và phấp phỏng chờ đợi kết quả từ cuộc họp mới của các bộ trưởng tài chính EU, sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31/3 tại Copenhagen (Đan Mạch), để giải quyết những bất đồng với Đức về quy mô quỹ hỗ trợ các khoản nợ công của khu vực. 

Các nhà giao dịch cho rằng sau đợt tăng điểm mạnh vừa qua, dường như các thị trường đang "bình tâm" trở lại khi các nhà đầu tư đã chốt lời "xong xuôi" và hiện chưa có thêm thông tin nào mới để tạo lập một xu hướng mới dẫn dắt thị trường. Những số liệu kinh tế khả quan từ Mỹ chưa đủ để xóa đi tâm lý lo âu về nền kinh tế trong khu vực Eurozone nói riêng và EU nói chung. 

Đóng cửa phiên 29/3, cả ba chỉ số chính của khu vực đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của London giảm 1,15% xuống 5.742,03 điểm; DAX 30 của Đức mất 1,77% xuống 6.875,15 điểm, và CAC-40 của Paris lùi 1,43% về 3.381,12 điểm./. 

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục