34% từng bị bạo hành

34% phụ nữ Việt Nam đã kết hôn từng bị bạo hành

Theo nghiên cứu quốc gia, cứ 1 trong 3 phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam từng bị bạo hành thể chất hoặc tình dục từ chính chồng mình.
“Vai trò của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình” là chủ đề cuộc tọa đàm do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc phối hợp tổ chức sáng 19/11 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 200 hội viên Hội phụ nữ, Hội nông dân từ sáu tỉnh phía Bắc.

Theo Báo cáo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng Cục Thống kê công bố năm 2010 cho thấy cứ 1 trong 3 phụ nữ (tương đương 34%) đã kết hôn cho biết họ từng bị bạo hành thể chất hoặc tình dục từ chính chồng mình.

Nghiên cứu khẳng định, bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng. Một nghiên cứu mới đây về nam tính và bạo lực giới cũng cho thấy, thái độ và hành vi áp đặt của nam giới vẫn tiếp tục làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cảnh báo bạo lực gia đình không những làm xói mòn đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai; là nguy cơ gây tan vỡ gia đình.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những bất bình đẳng về giới, bạo lực đối với phụ nữ mà việc giải quyết cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ và mọi người dân, nhưng quan trọng là nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của nam giới trong vấn đề này.

Theo bà Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, nam giới có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực gia đình. Những tấm gương điển hình nam giới không bạo lực và nhận thức được vấn đề bình đẳng giới cần được khuyến khích.

Bên cạnh đó là tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai giới thông qua các tổ chức như Hội phụ nữ, Hội nông dân; thúc đẩy những hoạt động có quy mô lớn hơn, tính chất bền vững hơn.

Do vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa để lôi cuốn sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng chống bạo lực gia đình. Nam giới có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình.

Nếu chỉ riêng phụ nữ, sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự tham gia của nam giới trong các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế.

Tại cuộc tọa đàm, những người tham gia đã được chính những người trong cuộc kể lại những câu chuyện thật về tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, mâu thuẫn xảy ra trong chính gia đình họ; chứng kiến giọt nước mắt xót xa, ân hận của những người đàn ông vì đã có những ngày tháng làm khổ vợ con. Câu chuyện ý nghĩa của họ cho thấy, nếu nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thay đổi và có sự chung tay của xã hội, thực trạng đáng buồn này hoàn toàn có thể được cải thiện.

Nhiều chương trình, hoạt động, dự án đã được thực hiện hướng đến phụ nữ, giúp phụ nữ vượt qua hoàn cảnh, nỗi sợ, dám đấu tranh và không cam chịu bạo lực.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu công tác phòng chống bạo lực gia đình chỉ chú trọng tác động tới phụ nữ mà không nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nam giới thì chỉ làm nới rộng khoảng cách giữa hai giới, khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn.

Để thu hút sự tham gia của nam giới vào công tác phòng chống bạo lực gia đình, các cấp Hội Phụ nữ, Nông dân ở nhiều nơi đã thành lập nhiều mô hình thú vị như “Câu lạc bộ những người chồng đảm đang,” “Câu lạc bộ những người chồng yêu vợ.”

Những hoạt động trên đều với mục đích khiến cho nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây bạo lực gia đình nữa mà là những người đang nỗ lực, đồng lòng chung tay vun đắp cho tổ ấm gia đình hạnh phúc, bình yên, vững bền, khăng khít.

Một số mô hình hoạt động hay, tích cực, sáng tạo để lôi kéo nam giới vào công tác này do các tổ chức phi chính phủ thực hiện thời gian qua cũng được giới thiệu tại hội thảo. Đặc biệt là những hoạt động của Dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc ứng phó với bạo lực giới và một số vấn đề dân số cần quan tâm” do Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục