Algeria cảnh báo hậu quả can thiệp quân sự vào Mali

Bộ trưởng Nội vụ Algeria, Daho Ould Kablia, cảnh báo việc can thiệp quân sự vào Bắc Mali sẽ gây ra hậu quả "rất nghiêm trọng" với khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Algeria, Daho Ould Kablia, cảnh báo một cuộc can thiệp quân sự vào Bắc Mali sẽ gây ra hậu quả "rất nghiêm trọng" đối với dân chúng và toàn bộ khu vực.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Soir d'Algérie ngày 8/11, ông Kablia tỏ ý lo ngại nếu xảy ra chiến sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới cộng đồng người Touareg ở miền Nam Algeria vốn có "mối liên hệ rất chặt chẽ" với đồng bào của họ ở miền Bắc Mali, từ đó làm cho tình hình "phức tạp thêm."

Theo ông, để ngăn chặn nguy cơ này, ưu tiên của Chính phủ Algeria là tìm giải pháp chính trị để giải quyết vĩnh viễn cuộc khủng hoảng Mali và kêu gọi người Touareg ở miền Bắc nước này "từ bỏ ý định ly khai."

Bộ trưởng Kablia cho rằng một khi vấn đề này được giải quyết, việc tiễu trừ khủng bố và buôn lậu ma túy sẽ "dễ dàng hơn" vì lúc đó Chính phủ Mali và các nước láng giềng sẽ phối hợp hành động.

Bộ trưởng Nội vụ Algeria cũng khẳng định chiến sự "không thể" lan sang lãnh thổ Algeria vì đường biên giới được "kiểm soát rất chặt chẽ."

Khoảng 35.000 lính Algeria vừa được triển khai dọc tuyến biên giới phía Nam, Đông-Nam và Tây-Nam.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Algeria có phản ứng chính thức sau khi Tham mưu trưởng quân đội các nước Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thông qua kế hoạch tác chiến cho lực lượng can thiệp vào Bắc Mali trước đó một ngày.

Cùng ngày 8/11, Tổng thống Algeria, Abdelaziz Bouteflika đã tiếp ông Romano Prodi, đặc phái viên Liên hợp quốc về khu vực Sahel, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn ECOWAS phải giải trình thêm về kế hoạch can thiệp này với Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp, Đặc phái viên Romano Prodi tuyên bố mọi nỗ lực sẽ được triển khai nhằm lập lại hòa bình ở miền Bắc Mali và tránh một cuộc can thiệp quân sự với hậu quả xấu có thể xảy ra cho Sahel.

Ông Prodi cho biết ông và Tổng thống Algeria, Abdelaziz Bouteflika đã trao đổi về cả vấn đề phát triển dài hạn ở vùng Sahel và các biện pháp nhằm huy động cộng đồng quốc tế đi theo hướng này. Ông thừa nhận nhiệm vụ này không phải là dễ, song nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sẽ mang lại kết quả.

Đặc phái viên Prodi cho rằng vẫn còn có khả năng sử dụng các khuôn khổ quốc tế và Liên hợp quốc trong cuộc chiến chống khủng bố để gìn giữ sự thống nhất dân tộc ở Mali, do đó can thiệp quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng, trong trường hợp bất khả kháng.

Trong một diễn biến liên quan, theo Tạp chí Focus ngày 8/11,  một khối lượng lớn vũ khí đã được Algeria giao cho Chính phủ Mali để giúp nước này giành lại miền Bắc đang nằm trong tay các nhóm vũ trang Hồi giáo và khủng bố.

Cách đây mấy ngày, chiếc máy bay vận tải đầu tiên của Algeria đã hạ cánh xuống sân bay Bamako Senou, mang theo lô trang thiết bị quân sự đầu tiên. Hai chuyến hàng khác sẽ được giao cho Chính phủ Mali trong những ngày tới. Tuy nhiên, không có thông tin nào về chủng loại và số lượng vũ khí được giao cho phía Mali.

Tạp chí trên dẫn nguồn tin từ Mali cho biết chuyến thăm Algeria vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ đã giúp giải tỏa viện trợ quân sự của Algeria cho Mali.

Bà Hilary Clinton một mặt thúc giục Chính phủ Algeria hỗ trợ cuộc can thiệp quân sự có thể diễn ra ở Bắc Mali, mặt khác khẳng định với chính quyền Algeria rằng ở Bamako có một thể chế quân sự thực sự và không có lý do gì khiến Angiêri phải lo ngại số vũ khí chuyển giao sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

Giới quan sát cho rằng hành động trên của Chính phủ Algeria cho thấy nước này quyết tâm giúp Mali lập lại hòa bình và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục