Đầu tư chứng khoán dài hạn: Ai là người dũng cảm?

Nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm khá bi quan, kể cả hoạt động đầu tư dài hạn theo họ vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.

Thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài các phiên giao dịch tuột dốc, chỉ số HNX-Index đã rơi xuống ngưỡng 65 điểm, mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch của sàn Hà Nội. Bên phía sàn Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù có lực đỡ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn song VN-Index cũng đã chấp nhận rời khỏi mốc 390 điểm.

Theo đó, danh sách các mã cổ phiếu được giao dịch với các mức giá dưới tham chiếu đã ngày càng dài thêm. Cộng với chu kỳ suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam đã kéo dài hơn 20 tháng khiến nhiều người bắt đầu đặt mối quan tâm hơn với chứng khoán.

Hiện bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế còn rất ảm đạm, song trên thị trường xuất hiện một số ý kiến kỳ vọng về các kế hoạch đầu tư dài hạn.

Ông Dương Trí Thắng, Trưởng phòng Môi giới Công ty chứng khoán Apec đưa ra quan điểm cá nhân khá lạc quan về chiến lược đầu tư trung hạn, dài hạn.

“Lãi suất tín dụng vẫn duy trì ở mức cao, lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, song tính theo chu kỳ suy thoái kinh tế thì hiện tại khủng hoảng có dấu hiệu ở giai đoạn cuối. Theo tôi mức kỳ vọng mức lợi nhuận cho hoạt động đầu tư trong thời gian từ 12 – 18 tháng có thể đạt tới 200%-300%. Về đầu tư giá trị như hiện nay tương đối là tốt, do đó tôi ủng hộ xu hướng đầu tư dài hạn,” ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ý kiến trên đã gặp phải phản ứng khá quyết liệt từ phía các chuyên gia khác trong ngành, hầu hết mọi người vẫn giữ quan điểm bi quan khi đưa ra các kiến nghị đầu tư.

Rất thận trọng và không ủng hộ quan điểm đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán IRS chỉ ra, trong số nhà đầu tư thất bại thảm hại  vừa qua có không ít người là nhà đầu tư dài hạn trước đó. Bởi, thời điểm cách đây một năm, cũng đã có rất nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi đầu tư dài hạn.

“Nhìn lại thực tế một năm trở lại đây, nhiều cổ phiếu 'nóng' đã giảm tới 1.000% so với thời điểm cách đây một năm, như  mã cổ phiếu VNS giảm từ giá 64.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 6.000 đồng/cổ phiếu, hay PVL cũng rớt từ mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 4.000 đồng/cổ phiếu. Còn tại dòng cổ phiếu bluechips, vốn được coi là giữ giá thì cũng trong tình trạng suy giảm khoảng 400%,” ông Việt đưa ra dẫn chứng.

Thời gian qua, đối tượng tổn thương mạnh nhất trên thị trường là nhóm các nhà đầu tư VIP. Sau những thất bại nặng nề, nhóm này đến nay đã tan tác, tinh thần bị tổn thương và tiềm lực tài chính còn lại rất mỏng. Lực lượng bám trụ và có thể chi phối thị trường hiện nay là các nhà đầu tư tổ chức và chủ các doanh nghiệp niêm yết có dòng tiền đủ mạnh để làm chủ tình thế, nhưng họ hiện vẫn chưa có động tĩnh.

Ghi nhận về sự tham gia của các nhà đầu tư mới trên thị trường, nhưng ông Vũ Quang Vịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Minh chỉ ra, mức giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang rất thấp, hàng loạt cổ phiếu được giá giao dịch dưới giá trị sổ sách. Nhiều nhà đầu tư cũ đã rời bỏ thị trường cả năm nay thì hiện đang rục rịch quay trở lại. Thị trường cũng bắt đầu xuất hiện một lớp nhà đầu tư mới, tuy nhiên họ lại là những người chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư lướt sóng. Vì vậy sự tham gia của họ còn nhiều hạn chế, mang nhiều tâm lý lưỡng lự.

“Theo xu hướng tâm lý, những cá nhân có đủ năng lực tài chính để duy trì đầu tư trong vòng 18 tháng thường lại không đủ kiên trì theo đuổi, do bản chất dòng tiền đầu cơ luôn vận động, nhảy nhót liên tục với những mong muốn tìm kiếm lợi nhuận tối đa trong những khoảng thời gian ngắn nhất,” ông Vịnh nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục