Tổ chức tòa án sơ thẩm và viện kiểm sát khu vực

63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã triển khai xong bước xây dựng Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của địa phương.
Ngày 28/11, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị chuẩn bị Báo cáo Bộ Chính trị về việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban trường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì hội nghị.

Báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của ngành tòa án nhân dân cho biết, tính đến thời điểm hiện nay 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xong bước xây dựng Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của địa phương mình; trong đó 58 địa phương Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, phê duyệt thông qua đề án; 5 địa phương đã xây dựng Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp địa phương đang xem xét, thông qua để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt.

Theo báo cáo tại các Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến thời điểm báo cáo thì thống kê được 427 tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, giảm 268 đơn vị (chiếm tỷ lệ 38,5%).

Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và ngành tòa án nhân dân thống nhất cao với chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, coi đây là khâu đột phá trong việc đổi mới hệ thống tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp; hệ thống tòa án nhân dân gồm 4 cấp, trong đó Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền tòa án.

Báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực của Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chủ trương thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực và đưa ra những đề xuất cụ thể. Theo đó đề nghị Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hướng dẫn về tiêu chí thành lập theo phương châm ưu tiên giảm thiểu những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận công lý và coi đây là tiêu chí quan trọng nhất; đồng thời số lượng và địa hạt của tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, viện kiểm sát nhân dân khu vực được xác định một cách linh hoạt đối với vùng, miền.

Đối với việc thành lập viện kiểm sát nhân dân khu vực, ngoài yêu cầu phù hợp với tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, cũng phải đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Đảng là “...tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra…”.

Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực trước mắt chỉ thực hiện đối với vùng đồng bằng và có điều kiện thuận lợi; đối với những nơi còn lại, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, việc sáp nhập sẽ được thực hiện khi có đủ điều kiện cần thiết. Về lâu dài, chủ trương thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực cần được xem xét đồng bộ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp khác như cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương khẳng định qua thảo luận, về cơ bản các đại biểu tiếp tục thống nhất cao với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân (trong đó có việc tổ chức tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, không theo cấp hành chính).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực bên cạnh thuận lợi cũng còn những khó khăn, nhưng xét về tổng thể, thuận lợi vẫn là cơ bản, các khó khăn, vướng mắc đều có thể khắc phục được.

Phó Thủ tướng lưu ý cần nhận diện và phân biệt thật rõ những khó khăn phát sinh khi triển khai thực hiện tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực (như việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân, việc người dân đi lại, liên hệ với tòa án…) với những khó khăn nội tại đã có từ trước khi có chủ trương này nhưng chưa được giải quyết (như số lượng, chất lượng cán bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc…) để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp.

Phó Thủ tướng nêu rõ cần nhận thức việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực tuy có khó khăn bước đầu nhưng có thể khắc phục được và sẽ góp phần rất quan trọng trong việc khắc phục những khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay của hai ngành tòa án và kiểm sát, bảo đảm nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan cho hoạt động tư pháp.

Từ những ý kiến của các địa phương, bộ, ngành phân tích hạn chế, khó khăn phát sinh trong việc triển khai tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực, trên cơ sở thống nhất các giải pháp đã đề ra trong dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới một số nội dung cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực; việc giám sát đối với Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực; bảo đảm điều kiện đi lại của cán bộ, công chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên các nội dung liên quan đến việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan tư pháp ở địa phương; tiêu chí thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực; lộ trình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ kiến nghị Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quan tâm, giải quyết những hạn chế, vướng mắc để thực hiện thành công chủ trương tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Sau hội nghị này, Tổ nghiên cứu xây dựng Báo cáo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị này cũng như hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/11, sẽ hoàn thiện lại Báo cáo trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xem xét, thông qua để kịp thời trình Bộ Chính trị./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục