Ngăn chặn HIV là nhiệm vụ sống còn của Châu Phi

Tăng cường ngăn chặn lây nhiễm HIV trở thành nhiệm vụ sống còn của châu Phi để quản lý tác động tài chính dài hạn của HIV/AIDS.
Ngày 17/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo bất chấp các nỗ lực quốc gia và quốc tế, châu Phi vẫn không giảm được đáng kể số ca mới lây nhiễm HIV. Điều này dẫn đến nguy cơ các chương trình ngăn chặn và loại trừ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của châu lục Đen có thể trở nên không bền vững trong tương lai.

Báo cáo mới nhất của WB nhấn mạnh chi phí điều trị HIV/AIDS ở châu Phi đang tăng nhanh và có nguy cơ tác động nguy hại đến tài chính công vốn đã quá căng thẳng ở các nước châu Phi. Các chính phủ châu Phi, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ cần nỗ lực vượt bậc để tránh nguy cơ này trở thành thực tế không thể tránh khỏi. Tăng cường ngăn chặn lây nhiễm HIV trở thành nhiệm vụ sống còn của châu lục này để quản lý tác động tài chính dài hạn của HIV/AIDS.

Báo cáo của WB cho biết chi phí ngăn chặn và điều trị HIV/AIDS trên toàn cầu đã tăng từ 300 triệu USD năm 1996 lên 16 tỷ USD năm 2009. Với 25% dân số nhiễm HIV, chi phí này sẽ lên tới 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Botswana vào năm 2006 và có thể chiếm tới 12% tổng thu ngân sách vào năm 2021. Chi phí cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS có thể lên tới 7,3% GDP của Swaziland vào năm 2020.

Ở Nam Phi, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã tác động nghiêm trọng đến tài chính công và khả năng của chính phủ đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội. Trong 6 triệu người nhiễm HIV nhận được thuốc điều trị trên thế giới có tới 5,1 triệu người ở châu Phi. Đầu tư chiến lược để ngăn chặn những ca nhiễm HIV mới trong khi tiếp tục đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc và điều trị hiện hành có thể giúp các nước châu Phi tránh được gánh nặng tài chính có nguy cơ không thể kiểm soát được hiện nay.

Giảm các ca nhiễm HIV mới và cải thiện việc hoạch định các chi tiêu tài chính có thể làm giảm đáng kể các cam kết tài chính cần thiết nhằm đối phó với HIV/AIDS. Những đầu tư chiến lược này là thiết yếu trong kỷ nguyên bất ổn định tài chính toàn cầu đương đại.

Báo cáo của WB nhấn mạnh chi phí cho các chương trình HIV/AIDS đặc biệt gây tác hại lớn đối với các nước thu nhập thấp. Chi phí liên quan đến một ca mới lây nhiễm HIV ở Uganda hiện đã gấp 12 lần thu nhập GDP theo đầu người vào năm 2010. Các nước có thể xử lý cả điều trị HIV và sự bền vững tài chính thông qua kết hợp việc điều trị với ngăn chặn để các chương trình HIV/AIDS hiện hành đạt hiệu quả cao nhất, cùng với cải thiện việc phân phối các nguồn tài lực và đổi mới các cơ chế tài trợ phòng chống HIV./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục