Động thái của S&P đẩy chứng khoán và dầu xuống

Sau khi S&P cảnh báo đánh tụt thứ bậc xếp hạng tín dụng của nhiều nước Eurozone, chứng khoán và giá dầu châu Á đồng loạt giảm.
Sáng 6/12, trái với đà đi lên của chứng khoán Mỹ đêm trước, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt đi xuống, trước thông tin tiêu cực từ "lục địa già."

Tại Nhật Bản, trong 20 phút đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 38 điểm (0,44%) xuống 8.657,98 điểm, sau khi cơ quan đánh giá tài chính Standard & Poor's (S&P) cảnh báo Đức, Pháp và 13 quốc gia thành viên khác tại khu vực đồng euro (Eurozone) có khả năng bị đánh tụt thứ bậc xếp hạng tín dụng.

Theo tờ Financial Times, nhiều nền kinh tế có bậc xếp hạng AAA gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Phần Lan và Luxembourg có khả năng bị hạ bậc tín nhiệm trong thời gian tới. Hideyuki Ishiguro, chuyên gia thuộc công ty Okasan Securities nhận định động thái mới của S&P đang ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, mở cửa phiên này, chỉ số Shanghai Composite của thị trướng chứng khoán Thượng Hải giảm 11,01 điểm (0,47%) xuống 2.322,22 điểm, trong bối cảnh các nhà giao dịch tỏ ra lo ngại về đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong nước và tình hình xấu đi của các nước châu Âu.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 159,62 điểm (0,83%) xuống 19.020,07 điểm. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kopsi cũng giảm 6,43 điểm (0,33%) xuống 1.916,47 điểm.

Đêm trước, tại Mỹ chứng khoán Phố Wall vẫn tăng điểm. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 78,41 điểm (0,65%) xuống 12.097,83 điểm; còn chỉ số S&P tăng 12,89 điểm (1,03%) lên 1.257,08 điểm.

Theo giới phân tích, thông tin các nền kinh tế lớn của Eurozone có khả năng đối mặt với nguy cơ bị đánh tụt hạng tín nhiệm được đưa ra sau khi thị trường đã đóng cửa. Do đó, thông tin bi quan này chưa tác động mạnh đến thị trướng chứng khoán Mỹ.

Thêm vào đó, trong phiên giao dịch thị trường đã nhận được tác động tích cực, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư, trước thông tin hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đã nhất trí về một loạt cải cách, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và sẽ đệ trình lên Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Herman Van Rompuy, vào ngày 7/12 tới.

Hiệp ước mới sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt tự động áp dụng đối với các quốc gia không đáp ứng được quy định thâm hụt ngân sách 3% cũng như quy định cân bằng ngân sách trong toàn Eurozone.

Cũng trong cuộc họp này, Pháp và Đức đã nhất trí rằng việc phát hành trái phiếu euro không phải là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở Eurozone.

Trong một động thái khác, dầu thô giảm giá tại châu Á trong phiên 6/12 khi đồng euro giảm giá so với đồng USD, sau khi S&P xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của một số nền kinh tế lớn trong Eurozone.

Sáng 6/12 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2012 giảm 50 cent xuống 100,49 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 58 cent xuống 109,23 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng dầu thô giảm giá là do đồng USD tăng, khiến mặt hàng được định giá bằng "đồng bạc xanh" này trở nên kém hấp dẫn giới đầu tư, trong bối cảnh S&P vừa cảnh báo Pháp, Đức và bốn nước thành viên Eurozone khác có thể mất xếp hạng tín nhiệm "vàng" AAA trong vòng 90 ngày tới.

Đêm trước tại thị trường phương Tây, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2012 tăng nhẹ 3 cent lên 100,99 USD/thùng, nhưng giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London lại giảm 13 cent xuống 109,81 USD/thùng, sau khi căng thẳng gia tăng về tình hình Iran không thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ như lúc đầu phiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục