Chứng khoán châu Á "thăng hoa" nhờ nhân tố Hy Lạp

Chứng khoán châu Á "thăng" nhờ nhân tố Hy Lạp

Nhân tố chính thúc đẩy chứng khoán toàn cầu đi lên trong phiên 8/3 và phiên châu Á ngày cuối tuần 9/3 là sự lạc quan về tình hình Hy Lạp.

Tiếp nối màu xanh phiên trước (8/3) trên khắp các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu, chứng khoán châu Á lại tiếp tục đi lên phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/3, sau khi có thông tin Hy Lạp đã hội đủ số nhà đầu tư tư nhân cần thiết để ký hợp đồng hoán đổi trái phiếu nợ, mở đường cho việc Athens được nhận gói cứu trợ thứ hai.

Như vậy là Athens đã vượt qua được "cuộc sát hạch" quyết định với 83,5% các trái chủ tư nhân nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận thua lỗ hơn 50% khoản đầu tư vào trái phiếu Hy Lạp mà họ nắm giữ để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho quốc gia "nợ chúa chổm" này.

Con số này là quá đủ để vượt qua yêu cầu phải có ít nhất 75% nhà đầu tư đồng ý chấp nhận thỏa thuận hoán đổi trái phiếu để Hy Lạp có thể nhận được gói cứu trợ lần hai.

Đóng cửa phiên 9/3, hầu như tất cả các báng điện tử trong khu vực đều đồng loạt bao phủ một màu xanh. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,06% (tương đương +25,49 điểm), lên 2.420,28 điểm; Hang Seng của Hong Kong tăng 1,32% (tương đương + 272,95 điểm) lên 20.900,73 điểm; Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,65% (+160,78 điểm) lên 9.929,74 điểm; KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 0,88% (+17,54 điểm) lên 2.018,30 điểm; Weighted của Đài Loan tăng 0,47% (+37,17 điểm) lên 8.021,73 điểm; thị trường Sedney tăng 0,98% (+ 41,0 điểm) lên 4.212,0 điểm. Các thị trường khác như New Zealand và Philippines cũng đều đi lên.

Nhân tố chính thúc đẩy các thị trường chứng khoán toàn cầu đi lên trong phiên 8/3 và phiên châu Á ngày cuối tuần 9/3 là sự lạc quan về Hy Lạp, cũng như những số liệu kinh tế tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ.

Thêm vào đó, tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, số liệu mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 2 của nước này cũng đã giảm xuống mức 3,2% - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, và tiếp tục giảm so với mức 4,5% của tháng 1 trước đó (mức lạm phát đỉnh trong 3 năm qua của Trung Quốc được xác lập vào tháng 7/2011 là 6,5%).

Theo giới phân tích, nếu lạm phát tiếp tục duy trì ở các mức thấp hơn kỳ vọng trong những tháng tới thì các nhà đầu tư có quyền hy vọng về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Tuy Athens chưa đưa ra tuyên bố chính thức, song thị trường đã có vẻ tạm yên tâm về Hy Lạp, và mọi con mắt hiện lại đổ dồn về nước Mỹ, nơi Bộ Lao Động nước này vào cuối ngày công bố số liệu về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Những con số tích cực trong mấy tháng gần đây trên thị trường lao động đang củng cố niềm tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phục hồi bền vững.

Đêm trước (8/3) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng đi lên phiên thứ hai liên tiếp, khi các nhà đầu tư hy vọng Hy Lạp hội đủ số lượng cần thiết các trái chủ tư nhân đồng ý với kế hoạch hoán đổi trái phiếu để thỏa thuận này có thể được ký vào phút chót, giúp Hy Lạp có đủ điều kiện nhận gói cứu trợ lần hai, nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ cận kề.

Đóng cửa phiên 8/3, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average ghi thêm 70,61 điểm (+0,55%) lên 12.907,94 điểm; S&P 500 tiến thêm 13,28 điểm (+0,98%) lên 1.352,63 điểm và Nasdaq tăng 34,73 điểm (+1,18%) lên 2.970,42 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng đồng loạt đi lên khi hy vọng vào Hy Lạp đẩy các cổ phiếu trong khu vực tăng điểm mạnh vào lúc đầu phiên, với nhóm các cổ phiếu blue-chip Euro Stoxx 50 tăng vọt tới 2,17%.

Đóng phiên 8/3, cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng mạnh, với FTSE 100 của London tăng 1,18% lên 5.859,73 điểm; DAX 30 của Đức vọt thêm 2,45% lên 6.834,54 điểm, và CAC-40 của Paris cũng tăng 2,54% lên 3.478,36 điểm.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng, bởi kinh tế Hy Lạp vẫn đang chìm sâu trong suy thoái và Athens có thể sẽ phải tiếp tục cầu viện đến gói cứu trợ thứ ba./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục