Đồng euro bị "vùi dập"

Đồng euro bị "vùi dập" do bất ổn chính trị tại Italy

Tại thị trường Tokyo phiên 10/11, đồng euro vẫn phải chịu sức ép trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Italy.

Tại thị trường Tokyo phiên 10/11, đồng euro vẫn phải chịu sức ép trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Italy và hoài nghi về khả năng của châu Âu trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ của khu vực. Trong một phiên giao dịch nhiều biến động, đồng tiền chung châu Âu có lúc trượt xuống dưới mốc 1,35 USD/euro.

Vào lúc 14 giờ 20 phút giờ Việt Nam, đồng euro giảm xuống 1,3495 USD/euro, so với mức 1,3543 USD/euro ở thời điểm cuối phiên 9/11 tại New York. Tới 14 giờ 45 phút, đồng euro phục hồi lên 1,352 USD/euro.

Đồng euro cũng giảm giá so với yên, từ mức 105,38 yen/euro xuống 104,99 yên/euro. Còn tỷ giá USD/yen đứng ở mức 77,65 yen/USD, giảm nhẹ so với giá 77,78 yen/USD trong phiên trước tại New York.

Làn sóng bán euro lại dấy lên khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Italy vọt lên 7,4% - mức báo động đối với "sức khỏe" tài chính của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Thị trường cho rằng các vấn đề của châu Âu có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào một đợt suy thoái kép, trong bối cảnh Italy quá lớn để có thể cứu trợ. Mặc dù Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cam kết sẽ từ chức khi các cuộc cải cách kinh tế được thực hiện, nhưng các thị trường vẫn hoang mang.

Osao Iizuka, phụ trách giao dịch tiền tệ tại Sumitomo Trust & Banking cho biết, trong bối cảnh nhà đầu tư chuyển "tiêu điểm" từ Hy Lạp sang Italy, tâm lý trên thị trường đối với đồng euro ngày một tồi hơn.

Các đồng tiền của châu Á như AUD (Australia), SGD (Singapore), won (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan), peso (Philippines), baht (Thái Lan) hay rupiah (Indonesia) đều xuống giá so với đồng USD, khi nhà đầu tư "bỏ rơi" các tài sản rủi ro để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone.

Theo Junya Tanase, chiến lược gia hàng đầu về ngoại hối tại JPMorgan, thị trường đang chờ xem liệu Italy có đi theo con đường của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha hay không. Trước đây, ba nước này đã "gõ cửa" cầu cứu Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của họ vượt mốc 8%.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục