Kỷ niệm 100 năm ngày Hồ Chí Minh đến nước Pháp

Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp trên hành trình tìm đường cứu nước đã diễn ra tại Choisy-le-Roi (Pháp).
Tối 6/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi  (Pháp) tổ chức, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp trên hành trình tìm đường cứu nước (1911-2011) và lễ kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010).

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đang thăm và làm việc tại Pháp đã cảm ơn chính quyền, nhân dân thành phố Choisy-le-Roi đã tham gia đồng tổ chức Lễ kỷ niệm nhất là cuộc tọa đàm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra trong khuôn khổ hoạt động này.

Ông nêu rõ, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ chí Minh đã lựa chọn, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh và thách thức đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về mọi mặt với sự ổn định về chính trị-xã hội ; kinh tế tăng trưởng liên tục; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế và hình ảnh của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài cho rằng họp mặt tại Tòa thị chính của Choisy-le-Roi là dịp "vô cùng có ý nghĩa" để nhớ về một sự kiện đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây đúng 100 năm.

Đó là vào tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này) đã rời Sài Gòn trên con tàu Amiral Latouche Tréville để một tháng sau, tháng 7/1911, Người đặt chân lên thành phố cảng Marseille của nước Pháp, mở đầu một cuộc hành trình tìm đường cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Đại sứ nhắc lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy giông bão và hiểm nguy, chịu đựng biết bao gian khổ và hy sinh, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn chỉ đau đáu một tình yêu nước, thương dân sâu sắc cháy bỏng trong tim: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”

Đại sứ nêu rõ, Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng đã được cả thế giới công nhận là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam."

Nghị quyết 18.65 của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 còn nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội..."

Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm còn có cuộc tọa đàm diễn ra về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia các bạn bè Pháp yêu mến và cảm phục Việt Nam. Đây chính là tọa đàm mà lần đầu tiên các bạn bè Pháp nói về Bác. Câu chuyện của họ về những kỷ niệm, sự đánh giá và cả những trích dẫn của họ đưa ra không ngoài việc ca ngợi "Hồ Chí Minh, một con người" giàu nghị lực và ý chí vượt qua mọi thử thách để đạt được mục đích cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Với các bạn Pháp, Hồ Chí Minh là hiện thân của "tấm lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực yêu thương con người." Hồ Chí Minh là biểu hiện của "chủ nghĩa quốc tế trong sáng, vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc."

Tại buổi lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử này, các đại biểu tham dự đã được xem bộ phim tài liệu "Hồ Chí Minh, chân dung một con người" và thưởng thức những bức ảnh tư liệu quý giá đen trắng trưng tại triển lãm nhan đề "Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp" do Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức./.

Lê Hà-Phương Nam (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục