Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cải cách thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ khóa XIII.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết 57/2010/QH12 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính đã và đang từng bước mang lại những kết quả hữu hiệu, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đã được coi là việc thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương với sự tham gia hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp. Các Bộ Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre, Tây Ninh, Lào Cai, Long An… đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện Đề án 30 và triển khai có hiệu quả Nghị định 63/2010/NĐ-CP và Nghị quyết 57/2010/QH12.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, diễn ra ngày 18/7, tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố, đại diện Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và các cơ quan thông tấn, báo chí đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30, đó là một số bộ, ngành đến nay chưa hoàn thành thực thi Đề án, thực hiện có tính chất đối phó, theo phong trào, chưa thực sự coi trọng và coi là nhiệm vụ thường xuyên. Tình trạng này bắt nguồn từ nhận thức của người đứng đầu và sự hiểu biết của đội ngũ được giao nhiệm vụ chưa đầy đủ.

Theo Bộ trưởng, cải cách thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ khóa XIII, của Quốc hội và là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những văn bản như Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định 20/2008/NĐ-CP về công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được người dân và doanh nghiệp kỳ vọng.

Bộ trưởng nêu rõ, cải cách thủ tục hành chính góp phần giải phóng nguồn lực, phát triển đất nước nên không được làm qua loa, đại khái; chấn chỉnh kịp thời, làm rõ hơn chức năng nhiệm vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của từng bên trong cải cách thủ tục hành chính.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cải cách ở đây không chỉ dừng lại ở hình thức mà ở cả nội dung các văn bản , phải đi sâu vào bản chất, tránh những điểm nghẽn, mạnh dạn loại bỏ những thủ tục không hợp lý.

Bộ trưởng cũng cho rằng thủ tục hành chính dù tốt đến đâu nhưng công tác công khai minh bạch thủ tục hành chính chưa thực hiện đầy đủ và đặc biệt là hiện tượng giải quyết thủ tục kéo dài so với quy định của pháp luật sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp. Vấn đề không phải sửa đổi được bao nhiêu thủ tục mà cốt lõi là việc sửa đổi đó đi vào cuộc sống như thế nào, phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo kết quả của cải cách.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính đi vào hoạt động hiệu quả; quan tâm chỉ đạo, coi công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên.

Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định kịp thời các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thực thi các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng thời hạn quy định; không thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính khi chưa có ý kiến tham gia của Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc công bố công khai thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia; hệ thống thông tin đại chúng chú trọng tuyên truyền, biểu dương những mặt tích cực, phê phán kịp thời những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc đánh giá những tác động của quá trình cải cách, việc rà soát thủ tục hành chính, nguồn lực và trang thiết bị để bảo đảm hoạt động cho Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, nhận thức của người đứng đầu và người thực thi nhiệm vụ.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, tính đến ngày 30/6, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 thủ tục hành chính trên tổng số gần 4.800 thủ tục phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%; trong đó, số thủ tục hành chính đã được ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi lên tới 1.882 thủ tục hành chính, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Các địa phương cũng đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 thủ tục hành chính đang được thực hiện tại các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Ủy ban Nhân dân cấp xã. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã có những chuyển biến về chất, chất lượng các thủ tục hành chính mới được ban hành được nâng cao…/.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục