Xe buýt "nhờn" luật

Hà Nội: Xe buýt "nhờn" luật và nỗi sợ "hung thần"

Thái độ phục vụ của lái và phụ xe thiếu văn minh, chửi bới và thậm chí đánh cả khách, khiến cho người dân không mặn mà với xe buýt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lái xe buýt thường xuyên mắc phải những lỗi vi phạm nhưng việc xử lý chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe dẫn tới việc người dân Hà Nội có thái độ e ngại xe buýt, mặc dù được trợ giá.

“Hiện nay, thái độ phục vụ của lái và phụ xe thiếu văn minh, chửi bới và thậm chí đánh cả khách. Vì vậy, nhiều người dân vẫn có nhu cầu đi lại nhưng lại không mặn mà với xe buýt,” ông Linh thừa nhận.
Xe buýt “nhờn” luật Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, lực lượng liên ngành đã kiểm tra lập gần 1.200 biên bản xe buýt vi phạm quy định hoạt động, tăng 185% so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã có trên 18 vụ tai nạn, gần 100 vụ vi phạm luật giao thông liên quan tới xe buýt đã bị xử lý. Số liệu thống kê cho thấy, trong số trên 1.200 vụ vi phạm quy định về hoạt động, xe buýt bị lập biên bản xử lý có 40% về vi phạm doanh thu, hơn 12% chạy sai lộ trình, 5,5% chạy không đúng biểu đồ, 8,4% dừng đón trả khách không đúng quy định. “Tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông vẫn còn phổ biến với những hiện tượng như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi tùy tiện… Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của đông đảo hành khách,” ông Hải nhận định. Đưa ra dẫn chứng thông qua kết quả điều tra hành khách, ông Hải cho biết: “65% hành khách phàn nàn về chậm giờ, 16% phàn nàn về thái độ phục vụ kém, 5% kêu ca về tệ nạn trên xe và 4% kê ca vì lái xe chạy ẩu.” Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hoàng Văn Mạnh, tình trạng xe buýt vi phạm qua kiểm tra chủ yếu rơi vào lỗi không đóng cửa khi đón trả khách, chèn ép phương tiện giao thông, nhả khói đen ra đường, phanh xe cũng không bảo đảm an toàn, lái phụ chấp hành luật quá kém. Đó là chưa kể, nhiều lái xe còn gian lận tuyến so với biểu đồ… Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản xử lý 73 trường hợp xe buýt vi phạm về dừng đỗ, khí thải, phanh không đảm bảo, không đóng cửa xe khi đón trả khách… trong đó tạm giữ 9 xe. Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, trước tình trạng nhiều lái xe buýt vi phạm trật tự an toàn giao thông, lái xe thiếu an toàn…, công ty đã phải chấm dứt hợp đồng với 80 trường hợp lái và phụ xe vi phạm, 1.370 trường hợp phải bồi hoàn do sai phạm gây ra, 377 trường hợp nhắc nhở, khiển trách. Sẽ mạnh tay xử lý Theo ông Linh, tình trạng xe buýt vi phạm rất phổ biến, nhưng lượng hành khách tham gia vẫn lớn do nhu cầu ngày càng nhiều sau khi Hà Nội mở rộng. Vì vậy, để xử lý các sai phạm của tài xế xe buýt nhằm nâng chất lượng loại hình vận tải công cộng này, theo ông Hải, cần sự giúp đỡ của lực lượng liên ngành, như Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, chính quyền phường sở tại… Các biện pháp thực hiện là tập trung vào xử lý những trường hợp xe vi phạm trật tự an toàn giao thông, chấn chỉnh lại cách hành xử của lái và phụ xe, truy quét các đối tượng trộm cắp, móc túi… “Nếu doanh nghiệp nào có nhiều xe không đảm bảo, thanh tra sẽ kiến nghị Sở Giao thông Vận tải không ký hợp đồng với doanh nghiệp đó nữa,” ông Mạnh cũng cho hay. Để mọi người dân trong xã hội có thể tiếp cận được xe buýt, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành rà soát lại hành trình các tuyến xe buýt để tránh chồng lấn dẫn đến ùn tắc giao thông, mở rộng các tuyến xe ra ngoại thành. "Mỗi năm thành phố Hà Nội lại trích từ ngân sách tới hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho hoạt động vận tải buýt công cộng, nếu không quản lý tốt mà để thất thoát sẽ là có lỗi lớn. Vì vậy, tới đây các doanh nghiệp cần phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường giáo dục đạo đức lái,phụ xe để lấy lại niềm tin trong dân. Nếu có doanh nghiệp nào vi phạm, chống đối… tôi sẽ gọi đơn vị đó lên để xử lý,” ông Linh khẳng định./.
Theo số liệu của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện nay trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội có 75 tuyến xe buýt, với gần 1.300 phương tiện, hoạt động liên tục từ 5 giờ tới 22 giờ 30 hằng ngày.

Mỗi ngày toàn mạng lưới thực hiện hơn 10.800 lượt xe, vận chuyển trên 1,1 triệu lượt khách.

Ngoài ra còn 6 tuyến buýt kế cận nối Hà Nội với Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục