Người nội trợ chóng mặt vì giá thực phẩm tăng cao

Trong những ngày này, các bà nội trợ đều “choáng váng” khi nhận được những câu báo giá hàng hóa với mức tăng vọt khoảng 30%.
Trong những ngày này, các bà nội trợ đều “choáng váng” khi đến chợ vì nhận được những câu báo giá hàng hóa với mức tăng vọt khoảng 30% so với những ngày trước đó.

Người bán thịt lợn tại chợ Hôm, Thành Công, Kim Liên đều báo giá thịt nạc thăn khoảng 160.000 đồng/kg, thịt mông, vai, sườn thăn là 150.000 đồng/kg. Ngay cả ba chỉ, trước đó chỉ khoảng 110.000 đồng/kg, cũng đã tăng lên 130.000 đồng/kg.

Nhiều gia đình thu nhập thấp ở Hà Nội đang phải thắt chặt chi tiêu trước sự biến động giá này.

"Sợ mỗi sáng đi chợ"

Bà Nguyễn Thị Hoàn, một tiểu thương bán thịt tại chợ Gia Lâm cũng không hiểu tại sao giá thịt lợn hơi lại tăng chóng mặt như vậy, chỉ biết giá tại các lò mổ thông báo tăng thì hàng bán lẻ cũng phải tăng giá theo. Mặc dù là mối lâu năm nhưng cũng có ngày bà Hoàn không lấy được thịt để bán.

"Nếu trước giá nhập khoảng 65.000 đồng/kg thịt hơi thì giờ giá tăng từng ngày,  thịt hơi giờ lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg, nếu không nhập thì không có hàng để bán," bà Hoàn cho biết.

Các loại thịt gia cầm cũng tăng chóng mặt. Gà ta sống cách đây 2 tuần chỉ 120.000-130.000 đồng/kg, hiện tại bà bán hàng thông báo 155.000 đồng/kg. Gà công nghiệp từ 90.000 đồng đã lên 115.000 đồng/kg. Còn thịt bò bắp đang ở mức cao ngất ngưởng 250.000 đồng/kg. Các loại cá, tôm cũng đều tăng 30% so với trước.

Riêng các loại rau những ngày này giá cũng tăng gấp bốn đến năm lần. Khoai tây 17.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với trước. Mỗi mớ rau cải, mồng tơi, dền, muống… cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng so với tuần trước. Riêng súp lơ xanh, củ dền (loại nhập từ Đà Lạt) là 25.000 đồng/kg (giá cũ 15.000 đồng/kg).

Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), chiều 10/7, chị Hà ở khu tập thể Thành Công đã sốc thật sự khi người bán hàng báo 20.000 đồng/kg dưa củ cải muối, chị bán hàng phân bua là cải củ hiện đã 12.000 đồng/kg. Khi được hỏi, nhiều người bán hàng cho rằng, do thời tiết nắng nóng, rau củ chậm phát triển, hư hỏng nhiều và nhà vườn tốn nhiều công chăm sóc, nguồn cung hạn chế, giá mua đầu vào tăng nên giá bán cũng tăng.

Trước đây, nhiều bà nội trợ hay chọn các chợ cóc để mua cho rẻ, nhưng hiện nay những chợ này giá cả cũng ngang ngửa các quầy trong chợ chính, thậm chí vào những buổi chiều tối giá còn mỗi nơi một kiểu, chợ nào gần hết hàng mà lại đông khách thì các bà bán hàng nâng giá vô tội vạ.

Với việc giá của nhiều loại mặt hàng tăng quá cao, nhiều gia đình đã phải thắt chặt hầu bao, gồng mình chống chọi với hàng chục thứ phải chi tiêu hàng ngày. Cắt giảm chi tiêu, loại bỏ bớt các khoản không cần thiết, mua bán tiết kiệm, hoặc chuyển sang các mặt hàng có giá rẻ hơn… đó chính là những giải pháp để giúp cho các gia đình vượt qua thời kỳ giá cả tăng cao như hiện nay.

Bà Trần Thị Mây ở Tập thể K10, phường Bồ Đề - Long Biên cho biết, lương về hưu của hai ông bà mấy năm nay chỉ dao động từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng, trong khi phải nuôi cậu con trai vẫn còn đang đi học. Trước đây bà chỉ cầm 100.000 đồng đi chợ là đã đủ ăn cho 3 người trong một ngày, nhưng rồi qua thời gian số tiền ăn trong ngày cứ phải nâng dần lên 130.000-150.000 đồng, và đến giờ thì bà thực sự sợ mỗi khi đi chợ.

Bà Mây than thở, "Tôi không biết phải chi tiêu như thế nào nữa, bữa ăn hàng ngày so với trước đã bị giảm rồi, có một ít tiền tiết kiệm cũng lấy dần ra để tiêu. Thỉnh thoảng con gái lớn có gửi biếu bố mẹ nhưng em nó cũng còn nhiều khó khăn."

Không chỉ riêng bà Mây mà nhiều người tiêu dùng cũng đang tỏ ra lo lắng, giá thực phẩm sẽ không dừng lại ở mức này mà sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Siết chặt quản lý giá

Bộ Tài chính vừa công bố, đã kiểm tra về lĩnh vực giá đối với 7 mặt hàng tại 21 doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực: Khí hóa lỏng, xi măng, thép xây dựng, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi, sản xuất đường ăn và kinh doanh sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu năm đến nay chỉ có mặt hàng đường ăn là giảm giá, còn lại 6/7 mặt hàng được kiểm tra đã tăng giá so với thời điểm cuối năm 2010. Trong đó, cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học tăng khoảng 25%, thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1-2,5%.

Kết luận của đoàn thanh tra cũng cho thấy, ở các lĩnh vực sản xuất xi măng, thức ăn chăn nuôi và phân bón hóa học, các doanh nghiệp đã tăng giá bất hợp lý, mức điều chỉnh giá bán tăng cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng.

Điển hình như Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Công ty Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán từ 163.000-171.000 đồng/tấn, tương đương 18,2 - 18,9%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1-16,3% so với giá thành năm 2010. Công ty cổ phần Việt Pháp cũng đã tăng giá bán thức ăn gia súc khoảng 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 6,49%.

Nhằm kìm hãm các mặt hàng tăng giá, ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện.

Công điện nêu rõ, trong những ngày đầu tháng Bảy, ở một số địa phương xảy ra tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15-17% như đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với những biện pháp mạnh như vậy, nhiều người hy vọng giá các mặt hàng thiết yếu sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới nhằm giảm bớt những khó khăn cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là những người thu nhập thấp/.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục