Chơi như thời Calisto?

Đội tuyển Olympic sẽ chơi như thời ông Calisto?

Cho dù chúng ta đã có huấn luyện viên mới là Falko Goetz, song lối chơi của đội Olympic vẫn sẽ mang dáng dấp thời ông Calisto.

Cho dù chúng ta đã có huấn luyện viên mới là Falko Goetz, song lối chơi của đội Olympic vẫn sẽ mang dáng dấp thời người tiền nhiệm Henrique Calisto.

Ở một vài thời điểm trong buổi tập sáng qua của đội tuyển Olympic, bộ đôi Falko Goetz – Phan Thanh Hùng đã có những cuộc hội ý ngắn ngay trên sân. Nhưng vị huấn luyện viên người Đức sau đó cho biết, những trao đổi giữa ông và ông Hùng trên thực tế sẽ không có ý nghĩa nhiều trong việc quyết định tới lối chơi của đội tuyển quốc gia. Cách vận hành chiến thuật của đội Olympic sẽ tùy thuộc vào tính toán của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng.

Việc tân huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia và đội Olympic tạm thời sẽ phải chia sẻ công việc ở mức độ tối đa với các trợ lý là điều hợp lý. Bởi đây mới chỉ là lần thứ tư, thứ năm, ông quan sát trực tiếp các cầu thủ người Việt chơi bóng. Nếu nói theo cách mô tả của huấn luyện viên Mai Đức Chung thì “ngay cả tên cầu thủ còn chưa thuộc thì làm sao bắt ông Goetz có thể đưa ra những quyết định về chiến thuật và nhân sự của cả 2 đội tuyển”.

Tuy vậy, huấn luyện viên Goetz có thể không biết người đang chạy trước mắt mình là ai, tiểu sử và thành tích của anh ta trong màu áo câu lạc bộ ra sao, nhưng chắc chắn là ông hiểu những gì đang diễn ra trên sân tập phụ Mỹ Đình vào sáng ngày hôm qua. huấn luyện viên người Đức đã lấy giấy bút và ghi chép lại sơ đồ chiến thuật cùng với số áo và tên các cầu thủ đá ở những vị trí khác nhau.

Người ta thấy trên mẩu giấy của huấn luyện viên Goetz có hình cây thông với 4 hậu vệ, 2 tiền vệ phòng ngự, 3 cầu thủ chơi tấn công tự do phía sau một tiền đạo đá cắm. Và đó cũng là công việc chính mà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cố gắng truyền tải tới các học trò trong buổi tập sáng qua.

Không phải vấn đề thể lực! V-League và giải hạng Nhất đều đang diễn ra nên sẽ là phi khoa học nếu tính tới bài “nhồi” thể lực các tuyển thủ khi lên tập trung. Vấn đề của đội Olympic lúc này là những con người mới sẽ phải học cách thích nghi và tạo ra sự ăn ý trong lối chơi mà với hầu hết trong số họ hãy còn xa lạ.

Trao đổi cùng các phóng viên vào buổi tối cùng ngày, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cũng không giấu giếm ý định sẽ cho các học trò thi đấu bằng sơ đồ 4-2-3-1. Lý giải cho điều đó, về mặt lý thuyết, ông Hùng cho rằng đây là sơ đồ đang thịnh hành của bóng đá hiện đại và những CLB, đội đạt được thành công trên thế giới trong thời gian qua cũng đều thiên về phương án sử dụng một trung phong cắm trên tuyến đầu.

Về thực tiễn, đội hình 4-2-3-1, theo lời huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, là lối chơi đã gắn bó với bóng đá VN trong nhiều năm qua và đã thu lại được thành công nhất định, chẳng hạn chức vô địch AFF Cup 2008.

Với những người hiểu huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, đây là điều không quá ngạc nhiên, bởi từ lâu người ta vẫn xem ông là một phiên bản của cựu huấn luyện viên đội tuyển, Calisto và hơn 2 năm qua huấn luyện viên người Đà Nẵng đã luôn kiên trì theo đuổi triết lý bóng đá vừa nhắc ở trên tại CLB của mình.

Thành công ban đầu mà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng có thể tạm xoa tay hài lòng với đội hình 4-2-3-1 là cậu học trò Văn Quyết từ HN.T&T đã thi đấu như cá thả vào nước, dù đây mới chỉ là lần đầu tiên anh góp mặt trong hàng ngũ Olympic quốc gia. Bây giờ, việc của ông Hùng sẽ là khai phá hết tiềm năng của những người còn lại và đặt họ vào đúng vị trí của mình trong sơ đồ hình cây thông./.

 
Đức Hoàng (TTVH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục