Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đẩy giá dầu thế giới giảm

Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần này trên thị trường thế giới giảm nhẹ do giới đầu tư lo lắng về ngõ cụt chính sách ở Mỹ.
Giá dầu lùi bước trong phiên giao dịch đầu tuần này trên thị trường thế giới do giới đầu tư lo lắng về ngõ cụt chính sách ở Mỹ, trong bối cảnh hạn chót (ngày 2/8) để nâng mức trần nợ công đang tới gần, song các cuộc thương lượng giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn diễn ra theo mô hình chia hai, mỗi bên tự thảo luận nội bộ và không bên nào có dấu hiệu sẽ nhượng bộ.

Giảm chi phí quốc gia là điều kiện cần thiết mà các nghị sĩ Cộng hòa đưa ra nhằm tăng giới hạn trần với nợ công của Mỹ, hiện nay đã lên tới 14.300 tỷ USD. Mặc dù có những dự đoán lạc quan về việc sẽ tìm ra được giải pháp tối ưu, song thị trường thế giới, trong đó có thị trường dầu mỏ, hầu như ngày nào cũng ghi nhận những biến động bất thường.

Tại New York, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 9/2011 chốt phiên 25/7 ở mức 99,20 USD/thùng, giảm 67 xu so với phiên cuối tuần trước. Lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6/2011, giá dầu thô đã bất ngờ vượt ngưỡng tâm lý 100 USD/thùng trong hai phiên liên tiếp 21 và 22/7, song giá mặt hàng này đã quay đầu đi xuống ngay khi bước sang tuần mới.

Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 73 xu xuống 117,94 USD/thùng.

Giá dầu biến động thất thường trong phiên 26/7 tại thị trường châu Á khi giới đầu tư lặng im chờ xem động thái từ Quốc hội và Nhà Trắng Mỹ về vấn đề trần nợ công. Chiều cùng ngày trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao tháng 9/2011 tăng nhẹ 37 xu lên 99,57 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tiếp tục giảm 29 xu xuống 117,65 USD/thùng.

Nợ của Chính phủ Mỹ đã lên kịch trần vào ngày 16/5/2011, song họ vẫn hoạt động được nhờ nguồn thu thuế cao hơn dự kiến, cũng như các điều chỉnh về chi tiêu và tính toán sổ sách. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ nước này có thể sẽ không trả nổi nợ quốc gia bắt đầu từ ngày 2/8 tới, dẫn tới nguy cơ xếp hạng nợ của Mỹ bị đánh tụt mạnh chưa từng có.

Trong thông cáo mới nhất, Bank of America cho biết các hãng xếp hạng tín dụng có thể hạ mức đánh giá nợ công của Mỹ từ AAA xuống AA vào cuối năm nay.

Tối 25/7 (26/7 giờ Việt Nam), trong bài diễn văn quan trọng trước cả nước, ông Obama đã lên tiếng cảnh báo người dân nước này rằng khoản nợ công ngày một lớn có thể gây "thiệt hại nghiêm trọng" tới kinh tế Mỹ nếu không được kiểm soát.

Chuyên gia Victor Shum thuộc Công ty tư vấn năng lượng Purvin & Gertz nhận định những rối ren trong "câu chuyện" nợ công của Mỹ đã gây ra những lo ngại trên thị trường dầu mỏ. Nếu Mỹ bị vỡ nợ, nền kinh tế số một thế giới sẽ rơi vào thảm cảnh và tạo hiệu ứng đôminô trên khắp các thị trường.

Bất chấp khủng hoảng nợ công của Mỹ và châu Âu, các chuyên gia kinh tế thế giới ngày 25/7 nhận định giá dầu vào cuối năm 2011 có thể tăng 20% và đạt mức 120 USD/thùng, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của các nền kinh tế đang nổi, thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhiên liệu thiết yếu này.

Mức tăng giá dầu trên thế giới thậm chí sẽ còn vượt quá dự kiến của nhiều cơ quan dự báo giá dầu được coi là đáng tin cậy nhất trong 8 quý vừa qua, theo xếp hạng của Bloomberg - hãng cung cấp thông tin tài chính và kinh doanh hàng đầu nước Mỹ./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục