Loài vật hoang dã ứng phó nhanh biến đổi khí hậu

Các loài động, thực vật hoang dã ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh gấp ba lần so với ước đoán của các nhà khoa học hồi năm 2003.
Tạp chí Khoa học của Mỹ số ra ngày 18/8 đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho biết các loài động, thực vật hoang dã đang ứng phó với sự biến đổi khí hậu nhanh hơn gấp ba lần so với ước đoán của các nhà khoa học hồi năm 2003.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự di chuyển của một số loài vật hoang dã về phía các cực của Trái Đất và lên vị trí cao hơn trong một thập kỷ qua khi môi trường sống quen thuộc của chúng bị thay đổi do tình trạng ấm lên toàn cầu, đồng thời phân tích số liệu về hơn 2.000 loài để có một bức tranh toàn cảnh hơn về vấn đề này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài vật hoang dã đã di chuyển môi trường sống lên cao hơn trung bình khoảng 12,2m và tiến về phía các cực (của Trái Đất) trung bình 16,6km trong mỗi thập kỷ.

Tuy nhiên, hiện tượng và tốc độ di chuyển môi trường sống có sự khác nhau giữa các loài vật, tùy thuộc vào điều kiện sinh tồn của chúng. Điều được khẳng định từ nghiên cứu này là các loài vật hoang dã đã di chuyển môi trường sống của chúng đi xa nhất tại những nơi có khí hậu ấm lên nhiều nhất, mối liên hệ này chưa được khoa học nhận biết rõ ràng trong 40 năm qua.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện quan trọng là "sự ứng phó rất đa dạng" của các loài hoang dã mà họ quan sát được tại các khu rừng và khu vực khác nhau.

Không phải tất các loài động, thực vật đều di chuyển tới nơi mát mẻ hơn khi môi trường sống của chúng bị nóng lên, bởi vì còn có những tác động của các yếu tố khác như lượng mưa, sự phát triển của con người và môi trường sống bị mất. Ví dụ như loài bướm đốm nâu ở Anh lẽ ra đã di chuyển về phía Bắc nếu bị tác động bởi yếu tố duy nhất là khí hậu ấm lên, nhưng thay vì làm như vậy loài này đã bị mất đi.

Trong khi đó, loài bướm comma đã di chuyển nơi sinh sống với khoảng cách 220km trong hai thập kỷ. Còn một loài bướm ở Borneo, đảo lớn ở Đông Nam Á, đã di dời nơi sinh sống lên nơi cao hơn khoảng 67m trên núi Kinabalu. Khu vực này đã được bảo vệ hơn 40 năm nay, điều cho thấy sự hủy hoại của môi trường sống không phải là nguyên nhân di chuyển.

Các nhà khoa học cho rằng chính sự đa dạng trong ứng phó của các loài vật hoang dã khiến cho việc đoán biết cách "ứng xử" của một loài cụ thể là rất khó và các nhà khoa học còn cần nhiều thông tin để có thể "làm chủ thế giới" theo cách nào đó và cứu các loài động, thực vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục