Nghịch cảnh nỗi lo nông sản, thực phẩm được giá

Thương lái ngoại vào VN thu mua, giá nông sản, thực phẩm tăng cao mang lại  lợi trước mắt cho nông dân nhưng để lại nỗi lo lâu dài.
Thời gian gần đây, thị trường thực phẩm và một số mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước có nhiều biến động. Giá nông sản, thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn) liên tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân và gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước.

Đáng lưu ý  là hiện tượng một số doanh nghiệp nước ngoài đã đứng sau bỏ tiền thuê doanh nghiệp Việt Nam thu mua để xuất khẩu sang cho họ, tạo ra tình cảnh "gậy ông đạp lưng ông" và mất thị trường ngay trên sân nhà cho chính doanh nghiệp Việt.

Lợi trước mắt

Bàn về vấn đề này với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, dưới một góc độ nào đó thì việc thương lái Trung Quốc mua nông sản của Việt Nam trong thời điểm này cũng có mặt lợi.

Theo qui định thì các thương nhân nước ngoài không trực tiếp được thu mua những mặt hàng này nên họ phải "bơm" tiền qua thương lái Việt Nam để thu mua và làm thủ tục xuất khẩu sang nước bạn.

Việc thu mua này nhìn trước mắt cũng giúp giảm áp lực đầu ra cho bà con nông dân, thậm chí người nông dân còn được lợi cả về giá.

Tuy nhiên, vấn đề là thương nhân nước ngoài có thể sang tận Việt Nam mua hàng trong khi doanh nghiệp trong nước lại có phần lúng túng đầu ra.

Xét về vốn liếng, thương lái nước ngoài sang Việt Nam thu mua vẫn phải mất chi phí thông qua các doanh nghiệp trong nước, các loại thuế theo qui định của pháp luật Việt Nam và các loại chi phí khác, kể cả chi phí thu mua. Lẽ ra họ phải kém lợi thế hơn doanh nghiệp nội địa rất nhiều.

Vây nhưng thực tế hiện nay, chủ yếu mặt hàng nông sản của Việt Nam, trừ lương thực do hai Tổng công ty VinaFood1 và VinaFood2  xuất khẩu, đều do tư nhân và những doanh nghiệp nhỏ đứng ra thu mua và xuất khẩu.

“Lo là ở chỗ khi họ dừng nhập khẩu thì nông dân sẽ không có đầu ra, một bài học nhãn tiền về dưa hấu trong những năm 2009 và 2010 làm ví dụ, dưa hấu vứt đầy đường không bán được!” ông An nhấn mạnh.

Lo lâu dài

Trái ngược với mặt hàng nông sản, sự tăng giá của mặt hàng thực phẩm (nhất là thịt lợn) do thiếu nguồn cung đã tạo áp lực không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2011 và gây khó khăn cho đời sống nhân dân.

Báo cáo mới đây của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng tiêu thụ thịt trong nước sáu thàng đầu năm 2011 là 2,448 triệu tấn thịt hơi các loại, tương đương 1,67 tấn thịt xẻ, bình quân đầu người đạt khoảng 18-19 kg thịt xẻ, tăng 5% so với bình quân sáu tháng đầu năm 2010.

Dự báo sáu tháng cuối năm nhu cầu sẽ tăng từ 3-5% so với sáu tháng đầu năm, ước tiêu thụ thịt lợn hơi sáu tháng cuối năm là 2,4-2,5 triệu tấn. Trong khi  đó,tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến 6 tháng cuối năm đạt khoảng 2,265-2,38 triệu tấn.

Như vậy, từ nay đến cuối năm 2011, ngành chăn nuôi sẽ phải sản xuất để khắc phục lượng thiếu hụt khoảng 0,12-0,135 triệu tấn thịt hơi.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị các mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn khi đang ở giữa mùa mưa bão, nguy cơ dịch cúm gia cầm vẫn còn đang rình rập phía trước.

Trong khi một mạng lưới các công ty thực phẩm trước đây đã tiến hành cổ phần hóa và lợi nhuận vẫn là tiêu chí hàng đầu nên khi thiếu hụt sẽ khó phát huy vai trò bình ổn thị trường.

Mặt khác, sự liên kết còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp trong nước còn làm ăn nhỏ lẻ, hệ thống phân phối thì manh mún, trong khi hàng hóa chủ yếu ở trong dân, thiếu hẳn đi các trang trại  chăn nuôi tập trung, dịch bệnh vẫn là nỗi lo trong nửa đầu năm vừa qua.

Theo Vụ thị trường trong nước, sự thiếu hụt nguồn cung phần lớn do dịch bệnh, cùng với việc một phần sản phẩm "chảy" sang Trung Quốc là một trong những nguyên nhân đẩy giá những mặt hàng này tăng cao.

Trước thực tế trên, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm dự kiến năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu thụ thịt trong sáu tháng cuối năm.

Bộ cũng yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc mua gom và xuất khẩu thực phẩm qua biên giới. Đồng thời,  khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn để nhanh chóng tăng nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Chính sự lỏng lẻo, không đồng bộ, thiếu sự phối kết hợp giữa nhà sản xuất và người cung cấp ở Việt Nam đã đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế “gậy ông đập lưng ông.”

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản, việc xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, ký hợp đồng rõ ràng, có sự quản lý và cảnh báo những rủi ro qua con đường tiểu ngạch để doanh nghiệp hiểu và thấy được thiệt hơn.

Trước mắt, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm, Vụ thị trường trong nước cũng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu phương án tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này, nhằm đảm bảo thịt lợn Việt Nam không bị "chảy" ngược do chênh lệch giá./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục