Ninh Thuận tập trung cho nhà máy điện hạt nhân

Ninh Thuận đang tích cực chuẩn bị về mặt bằng, nguồn nhân lực cho việc xây dựng hai nhà máy đến hạt nhân dự kiến khởi công năm tới.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết trong năm 2011 này, tỉnh tập trung vào việc chuẩn bị xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân có tổng công suất 8.000 MW, vốn đầu tư ước 10 tỷ USD, dự kiến khởi công vào năm 2014 và đưa vào hoạt động năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Dũng khẳng định đây vừa là trách nhiệm của địa phương góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia vừa là cơ hội lớn đối với tỉnh, tạo tiền đề, bàn đạp để tỉnh bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

- Địa phương đã chuẩn bị đến đâu cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Theo quy hoạch của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, với trọng tâm là hai nhà máy điện hạt nhân, tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ...

Trước mắt, năm 2011, chúng tôi sẽ tập trung vào việc chuẩn bị thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn đối với tỉnh, tạo tiền đề, bàn đạp để tỉnh bứt phá trong thời gian tới.

Địa phương đã tiến hành vận động, tuyên truyền, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân về dự án quan trọng này. Tỉnh tiến hành quy hoạch hai khu tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt bằng và giao thông cho nhà máy được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ.

- Để có thể vận hành được nhà máy điện hạt nhân thì phải đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Vậy Ninh Thuận đã có những bước đi nào để thực hiện việc này?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Về nhân lực phục vụ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã giao cho các bộ, ban, ngành chức năng, cùng với ngành điện lực và địa phương chung tay, góp sức thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, kỹ thuật cao.

Tỉnh đặt ra vấn đề chú trọng đến nguồn nhân lực trẻ, mạnh dạn tìm đến các gương mặt trí thức được đào tạo bài bản, có khát vọng, dám cống hiến vì sự thành công của dự án.

Tỉnh đang cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con em Ninh Thuận tham gia học những chuyên ngành có liên quan đến điện hạt nhân để trở về phục vụ quê hương.

Bước đầu, tỉnh đã tuyển khoảng 20 em học sinh xuất sắc cho đi du học tại Liên bang Nga.

- Đào tạo ra một công nhân lành nghề ở lĩnh vực này là phải rất lâu, nếu đào tạo xong mà không sử dụng được thì lãng phí nguồn chất xám. Vậy làm sao để tỉnh cân bằng giữa hai mặt đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Tôi muốn nhấn mạnh đến sự đồng bộ. Ví dụ như địa phương có dự án nhà máy điện hạt nhân thì tỉnh phải phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tìm, chọn lọc và đào tạo những gương mặt triển vọng để phục vụ dự án.

Nếu dự án nhà máy điện hạt nhân không được xây dựng ở Ninh Thuận mà bảo chúng tôi đi đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân thì không giải quyết được vấn đề gì cả.

Nhưng nếu có dự án nhà máy điện hạt nhân rồi mà không có nguồn lao động tại chỗ mà phải lấy từ nguồn khác thì là một điều rất thiệt thòi đối với địa phương.

Vẫn biết là không thể ngày một ngày hai mà làm được, vì thế tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm tới để thực hiện điều này.

- Là một tỉnh ven biển được thiên nhiên ưu đãi, vậy Ninh Thuận sẽ khai thác lợi thế này như thế nào để phát triển kinh tế?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Nằm ven biển, Ninh Thuận còn có lợi thế về phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao có thể khai thác phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu, là nơi sản xuất muối công nghiệp với chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên khuyến khích và kêu gọi đầu tư.

Ninh Thuận chủ trương dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đồng thời sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn.

Về vấn đề phát triển đánh bắt cá xa bờ, theo tôi, phát triển đội tàu đủ sức vươn ra khơi xa là vấn đề cần phải được quan tâm cụ thể. Vừa có nguồn hải sản phục vụ phát triển kinh tế địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ và giữ gìn chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho ngư dân có thể tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi để có thể đóng những tàu, thuyền công suất lớn, tôi cho là việc quan trọng vào lúc này.

Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tỉnh Ninh Thuận lựa chọn 6 lĩnh vực chính gồm năng lượng; nông nghiệp-thủy sản; sản xuất công nghiệp; du lịch; xây dựng và bất động sản; giáo dục và đào tạo, dạy nghề để ưu tiên thu hút đầu tư, tạo bước đột phá để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục