Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên công du Hàn Quốc

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth đã tới Seoul (Hàn Quốc) trong chuyến công du về các vấn đề liên quan Triều Tiên.
Ngày 4/1, Đặc phái viên Mỹ về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Stephen Bosworth đã tới Seoul, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du ba nước Đông Bắc Á.

Cùng đi với ông Bosworth có trưởng đoàn Mỹ tham gia các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ông Sung Kim.

Phát biểu ngay sau khi đến Hàn Quốc, ông Bosworth bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ được khởi động trong tương lai gần.

Trong hai ngày làm việc ở Hàn Quốc, Đặc phái viên Bosworth sẽ gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung- hwan và ông Wi Sung-lac, người đứng đầu phái đoàn đàm phán sáu bên của Hàn Quốc.

Sau Hàn Quốc, ông Bosworth sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản để tham vấn giới chức các nước này về vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Ngoài ra, chuyến công du lần này của ông Bosworth cũng được cho là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào cuối tháng này.

Các hoạt động ngoại giao bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn khi Triều Tiên bày tỏ ý định sẽ trở lại bàn đàm phán sáu bên. Trước đó, sau vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 11 vừa qua, Trung Quốc trước đã kêu gọi tiến hành cuộc gặp khẩn cấp giữa các trưởng đoàn đàm phán sáu bên. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc đã đặt điều kiện trước khi quay lại bàn đàm phán.

Trong một diễn biến liên quan, nguồn tin từ chính quyền Hàn Quốc cho biết nước này có kế hoạch thảo luận vấn đề nối lại đàm phán sáu bên thông qua đối thoại liên Triều.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 4/1 dẫn nguồn tin từ chính phủ nước này cho biết Seoul đang liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga để đưa ra quyết định về điều kiện tiên quyết đối với Triều Tiên trước khi nối lại đàm phán sáu bên.

Theo nguồn tin này, Bình Nhưỡng sẽ thảo luận vấn đề hạt nhân trong các cuộc đàm phán với Seoul, đồng thời thể hiện sự quyết tâm phi hạt nhân hóa bằng hành động trước khi nối lại đàm phán sáu bên.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết đang xúc tiến đối thoại trực tiếp với Triều Tiên trong năm 2011.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của năm 2011, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara ngày 4/1 cho biết nước này muốn tạo ra một môi trường có thể đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng trong năm nay, bên cạnh các hội nghị đa phương. Ngoại trưởng Maehara cũng nhấn mạnh Tokyo mong muốn nối lại vòng đàm phán sáu bên.

Về phần mình, Triều Tiên ngày 4/1 cho biết nước này sẵn lòng cải thiện và bình thường hóa quan hệ với các nước thù địch nếu các nước này từ bỏ chính sách thù địch và tôn trọng chủ quyền, phẩm giá của Bình Nhưỡng.

Bài viết trên báo Rodong Simmun số ra ngày 4/1 khẳng định Triều Tiên muốn phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên cơ sở độc lập và tuân thủ luật phát quốc tế.

Báo trên cũng nêu rõ Bình Nhưỡng không cho phép các nước khác xâm phạm chủ quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Nhấn mạnh các nước đều có quyền lựa chọn niềm tin và hệ thống xã hội, bài báo cho rằng sự hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia cần phải vượt qua sự khác biệt về ý thức hệ và hệ thống xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục