Vì thế hệ không có HIV

Thế giới nỗ lực vì một thế hệ không có HIV/AIDS

Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS, LHQ đã kêu gọi thế giới nỗ lực để hướng tới một thế hệ không có người mắc bệnh HIV/AIDS.
Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), Liên hợp quốc đã kêu gọi thế giới nỗ lực để hướng tới một thế hệ không có người mắc bệnh HIV/AIDS.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc chấp hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông Anthony Lake, khẳng định thế giới hoàn toàn có thể tiến tới một "thế hệ không có HIV/AIDS" nếu cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cung cấp các tiện nghi ngăn chặn, điều trị và bảo vệ xã hội chống bệnh HIV/AIDS.

Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào việc các tiện nghi này có thể đến được với cộng đồng những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội hay không.

Báo cáo nhan đề "Trẻ em và AIDS," được UNICEF công bố ngày 30/11, nhấn mạnh trong khi trẻ em nói chung được hưởng lợi ích to lớn từ các tiến bộ y tế chống bệnh HIV/AIDS, mỗi năm trên thế giới vẫn có tới 3 triệu phụ nữ và trẻ em nhiễm bệnh do những bất bình đẳng bắt nguồn từ giới, địa vị kinh tế, vị trí địa lý, trình độ giáo dục và địa vị xã hội.

Hàng ngày, gần 1.000 trẻ em ở khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Loại trừ những căn nguyên gây bất bình đẳng đóng vai trò quyết định quan trọng để tất cả phụ nữ và trẻ em đều có thể tiếp cận rộng rãi tri thức, sự chăm sóc y tế, bảo vệ và ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con (PMTCT).

Giám đốc chấp hành UNICEF cũng nêu bật những tiến bộ và đổi mới để có thể đưa thuốc ARV điều trị bệnh AIDS đến ngày càng nhiều bà mẹ mang thai và những đứa con của họ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo để đảm bảo chất lượng của dịch vụ ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với các phụ nữ mang thai dương tính với HIV. 53% phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã nhận được thuốc ARV để ngăn chặn lây truyền HIV sang con trong năm 2009, tăng 8% so với năm 2008.

Đặc biệt ở khu vực Đông và Nam Phi trong năm 2009, khoảng 68% phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã nhận được thuốc ARV, tăng 10% so với năm 2008.

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã thành công bước đầu và kêu gọi loại trừ hoàn toàn các ca lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2015.

Tuy nhiên, báo cáo năm 2010 của UNICEF cũng lưu ý rằng HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trên toàn cầu.

Ở khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi, 9% số bà mẹ mang thai tử vong có nguyên nhân từ HIV/AIDS.

Giám đốc chấp hành Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, ông Michel Sidibé, cho biết mặc dù số ca nhiễm HIV mới đã liên tục giảm ở hầu hết các khu vực trên thế giới, song hiện mỗi năm vẫn có 370.000 trẻ em được sinh ra đã nhiễm HIV.

Vào năm 2001, 5,7 triệu thanh niên độ tuổi 15-24 bị nhiễm HIV nhưng vào cuối năm 2009, con số này đã xuống còn 5 triệu người.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 nước, tất cả là ở miền Nam châu Phi, ít nhất 1 trong 20 thanh niên hiện đang phải chung sống với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới tiếp tục tăng đầu tư vào giáo dục và y tế cho thanh niên để ngăn chặn khả năng lây nhiễm HIV và tăng cường bảo vệ xã hội, trong đó cần ưu tiên đặc biệt đối với trẻ em gái thuộc cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất về xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục