Quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Thái trên đà phát triển

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam nêu rõ, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Thái Lan đang có những bước phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Thành Biên nêu rõ, các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đang có những bước phát triển đáng kể trong những năm qua nhờ nỗ lực của Chính phủ, nhất là cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng tại cuộc hội thảo “Cơ hội và Thách thức trong Kinh doanh và Đầu tư tại Việt Nam” diễn ra ngày 29/9 tại Khon Kaen, Thái Lan.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, giá trị thương mại hai chiều Việt Nam-Thái Lan luôn gia tăng, ngay cả khi phải chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Kim ngạch trao đổi giữa hai nước giai đoạn 2007-2009 tăng trung bình 10,6%.

Trong tám tháng đầu năm nay, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng 25,1% lên 4,25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan chiếm 776 triệu USD.

Về đầu tư, Thái Lan cũng là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2010 các doanh nghiệp Thái đã đầu tư vào Việt Nam 5,7 tỷ USD với 237 dự án, xếp thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng nêu bật thế mạnh cơ bản và cũng là điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - một thị trường đang phát triển mạnh mẽ năng động, tính ổn định và độ an toàn cao, ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội về đầu tư và kinh doanh. Đó là sự ổn định về chính trị của Việt Nam, nhân tố có ý nghĩa quyết định để đảm bảo các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế, với chính sách quản lý thương mại và đầu tư đều được xây dựng theo hướng thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần tham gia, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư đã tạo môi trường bình đẳng với nhiều ưu đãi.

Ngoài nỗ lực cải cách hành chính để đơn giản hóa và loại bỏ những thủ tục không cần thiết với mục tiêu giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, nền kinh tế Việt Nam đang càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, Chính phủ thực hiện nghiêm túc các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước xây dựng nền kinh tế có độ mở cao, thực hiện đúng lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp CEPT/AFTA và hiện nay là Hiệp định ATIGA. Do đó, khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa được ưu đãi, đồng thời có thể từ đây kết nối, tiếp cận với các thị trường khác trong khu vực.

Giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện cả về đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không .

Nhiều doanh nhân Thái Lan và người Thái gốc Việt tham gia hội thảo đã tìm hiểu thêm thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư, vận chuyển hàng hóa sang Việt Nam, địa chỉ học tiếng Việt và các đối tác tiềm năng./.

Ngọc Tiến/Bangkok (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục