Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong quản lý vốn ODA

Tại Diễn đàn đánh giá hiệu quả nguồn vốn viện trợ (AEF), các dự thảo báo cáo chỉ ra rằng, chương trình phát triển quốc gia và quá trình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam không bị phụ thuộc vào nguồn vốn viện trợ. Tuy nhiên, Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức về vấn đề thể chế, về những thay đổi trong công nghệ lập kế hoạch, những phức tạp của việc phân cấp trong quá trình quản lý nguồn vốn viện trợ.
Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Diễn đàn đánh giá hiệu quả nguồn vốn viện trợ (AEF) tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản hồi về báo cáo kết quả đánh giá đợt 2 tình hình thực hiện Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ.

Ba vấn đề cốt lõi được đưa ra đánh giá trong dự thảo báo cáo gồm các yếu tố đã ảnh hưởng đến tính thích hợp trong thực hiện Tuyên bố Paris; Tuyên bố Paris có cải thiện vấn đề cung cấp nguồn vốn viện trợ và Tuyên bố Paris có tăng cường sự đóng góp của nguồn vốn viện trợ cho thành quả phát triển của mỗi quốc gia hay không. Công việc đánh giá được tiến hành trên phạm vi toàn cầu cùng với 24 nước đối tác tham gia nhằm rút kinh nghiệm ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.

Dự thảo báo cáo chỉ ra rằng, nhìn chung với sự nỗ lực rất cao của tất cả các bên cũng như tiến trình và kết cấu được công bố tốt nhưng việc thưc hiện cụ thể lại thường không đạt được những kỳ vọng đề ra. Tiến độ đạt được tốt ở những bước nhỏ, không có tính đột phá.

Chương trình phát triển quốc gia và quá trình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam không bị phụ thuộc vào nguồn vốn viện trợ. Tuy nhiên, Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức về vấn đề thể chế, về những thay đổi trong công nghệ lập kế hoạch, những phức tạp của việc phân cấp trong quá trình quản lý nguồn vốn viện trợ.

Nhằm cải thiện vấn đề sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam, ông Marcus Cox, Trưởng đoàn đánh giá độc lập đã đề xuất: tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho quản lý vốn ODA; tổ chức và xây dựng lại năng lực quản lý cấp ngành; sử dụng nhiều hơn các công cụ đánh giá khách quan.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính khách quan của dự thảo báo cáo. Một số đại biểu đề nghị báo cáo cần đưa ra những con số cụ thể và phân tích kỹ hơn các phương thức viện trợ mới, viện trợ hoàn lại và viện trợ không hoàn lại.

Đặc biệt, kết luận của dự thảo báo cáo chỉ ra các vấn đề tồn tại trong hoạt động đấu thầu tại Việt Nam trong đó có việc “áp đặt giá thầu hơn là cạnh tranh.” Điều này đã được đại diện Cục Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho là chưa chính xác.

Đại diện Cục Đấu thầu nêu rõ những quy định tại Nghị định 85/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn Nhà thầu theo Luật Xây dựng của Việt Nam và đề nghị báo cáo nên xem lại vấn đề này.

Đóng góp vào dự thảo báo cáo, đại diện của Văn phòng Quốc hội cho rằng một trong những biện pháp nhằm quản lý hiệu quả nguồn vốn tài trợ chính là nâng cao quản lý về mặt kỹ thuật hơn là nâng cao quản lý về hành chính.

Ngoài ra, dự thảo báo cáo đánh giá cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang lưỡng lự trong việc minh bạch các khoản ngân sách tài trợ. Về vấn đề này, đa số các chuyên gia cho rằng, dự thảo báo cáo đánh giá chưa đúng bởi vấn đề này không phải nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự lưỡng lự này chính là do tính dự báo của nguồn vốn ODA.

Việt Nam là một trong 24 quốc gia đã đồng ý tham gia báo cáo đánh giá đợt 2 của Tuyên bố Paris. Báo cáo đánh giá đợt 1 được thực hiện tháng 8/2007./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục