Bộ Chính trị làm việc với Đảng bộ của năm tỉnh

Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu phát huy kinh tế biển, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/6/2010 của Bộ Chính trị và Chương trình làm việc đợt 1 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015, trong các ngày  từ 19 đến 23/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, các Ủy viên Bộ Chính trị đã làm việc với Đảng bộ các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu cho ý kiến vào công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các tỉnh.

Tại các buổi làm việc, các đại diện Bộ Chính trị gồm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã nghe lãnh đạo các tỉnh ủy trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, phương hướng nhân sự chung và ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành.

Thay mặt Bộ Chính trị kết luận các buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Ban Thường vụ, Thường trực các tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng các văn kiện và phương hướng công tác nhân sự chu đáo, nghiêm túc đúng quy trình theo tinh thần của Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban Đảng.

Nhất trí với những đánh giá về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội giai đoạn 2006-2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của các Đảng bộ Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của 5 tỉnh đều theo hướng tích cực, huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng Đảng và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các Đảng bộ Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu cần chú ý phát huy lợi thế phát triển kinh tế biển, thủy sản và nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; phát triển nhanh gắn với chất lượng và hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Các địa phương cần gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với định hướng phát triển xây dựng nông thôn mới, đặt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, chính yếu trong nhiệm kỳ tới.

Đề cập về công tác xây dựng Đảng, các ông Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa, Phùng Quang Thanh đề nghị các Đảng bộ tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng và nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là "làm theo."

Các đảng bộ cần chú trọng kiện toàn bộ máy trong hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (nhất là cán bộ cấp cơ sở); quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Các đảng bộ cần chú ý xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình. Đối với Đảng bộ Cà Mau, các đại diện Bộ Chính trị đề nghị trong báo cáo chính trị đánh giá nghiêm túc, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ, về thực hiện các nguyên tắc trong đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Cà Mau là một trong 4 tỉnh trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vị trí của tỉnh rất thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế biển. Mục tiêu phấn đấu xây dựng Cà Mau thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tỉnh phát triển khá trong khu vực, là tỉnh phát triển trung bình khá trong cả nước. Cùng với đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tỉnh cần tiếp tục phát huy lợi thế vị trí khai thác biển để thủy sản là ngành mũi nhọn, là khâu đột phá của tỉnh.

Tỉnh cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng, quy hoạch các ngành y tế, văn hóa, các quy hoạch vùng gắn kết với đảm bảo quốc phòng, an ninh; hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; chống sạt lở vùng ven biển Đất Mũi; chú ý bảo vệ tốt môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn, có giải pháp ứng phó với nguy cơ nước biển dâng.

Đối với Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần đánh giá đúng những thuận lợi và cơ hội; vị trí, vai trò là tỉnh kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thế mạnh về kinh tế biển, về nông nghiệp. Kiên Giang cần xây dựng những mục tiêu để phấn đấu trở thành tỉnh đạt mức khá của miền Tây và tỉnh trung bình khá của cả nước.

Tỉnh cần có giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo và nhiệm vụ về Phú Quốc, chú trọng quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ kinh tế biển, là trọng tâm hướng ra biển của vùng Tây Nam Bộ.

Các đại diện Bộ Chính trị đề nghị Đảng bộ Hậu Giang phân tích rõ hơn những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, thách thức để có định hướng phù hợp, cụ thể, phát huy thế lợi thế là trung tâm khu vực, thuận lợi về giao thông thủy, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ cao, nguồn lực lao động dồi dào.

Mục tiêu hướng đến của Hậu Giang là phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực và mức trung bình của cả nước vào năm 2020. Hậu Giang cần lưu ý nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, là thế mạnh tiềm năng của địa phương, góp phần khá lớn vào tăng trưởng GDP của tỉnh và cùng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Tỉnh cần huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh phải gắn với định hướng phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chú ý quy hoạch đô thị gắn với phát triển nông thôn, quy hoạch hệ thống giao thông huyết mạch, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tỉnh cần quan tâm phát triển du lịch sinh thái, phát huy tiềm năng là nơi hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng của một địa phương vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Với Bến Tre, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Đảng bộ cần tiếp tục có các giải pháp quan tâm phát triển nông nghiệp và chế biến thủy sản, cây ăn trái theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, chất lượng hiệu quả ngày càng cao, phát huy thế mạnh về thương hiệu sản phẩm.

Trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bến Tre cần chú ý gắn với định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khai thác tối đa lợi thế của các công trình trọng điểm (cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, sắp tới là cầu Cổ Chiên). Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng đường ven biển và phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Làm việc với Đảng bộ Bạc Liêu, các đại diện Bộ Chính trị cho rằng, tỉnh cần tập trung phát huy và khai thác thế mạnh, tiềm năng, tạo bước phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, đưa tỉnh trở thành tỉnh trung bình khá của vùng; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với thực hiện nhất quán chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tỉnh tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, làm giầu từ kinh tế biển, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển, chú trọng phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ kinh tế biển; ưu tiên đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ du lịch; quan tâm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Ủy viên Bộ Chính trị và các bộ, ngành, các địa phương cần bổ sung, hoàn thiện các báo cáo chính trị cho phù hợp với tình hình địa phương; cần tập trung phân tích, nêu rõ các mục tiêu, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong thời gian tới, bảo đảm Đảng bộ lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh./.

Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục