Nhiều giải pháp đối phó nước biển dâng ở ĐBSCL

Viện Thủy lợi và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Viện Thủy lợi và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lũ lụt.

Tại Hội thảo Quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu-nước biển dâng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6, đại diện Viện Thủy lợi đã chỉ ra 3 giải pháp chính, đó là nâng cấp và nối liền hệ thống kiểm soát thủy triều và ngăn mặn với hệ thống ngăn, thoát lũ để bảo vệ sản xuất; hoàn thiện các công trình đê, đảm bảo kiểm soát lũ từng phần; tăng cường các công trình thoát lũ ra biển Tây và các công trình điều khiển rút lũ qua hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Khi những điều này xảy ra, việc thoát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là ở vùng Tứ giác long xuyên và Tây nam sông Hậu.

Kết quả nghiên cứu của Bộ cho thấy, biến đổi khí hậu đã làm cho thời gian ngập lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long trong vài năm gần đây kéo dài thêm từ 1-2 tháng so với thời điểm trước. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa ở khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vựa lúa và thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng lúa và thủy sản hàng năm chiếm lần lượt là 53% và 60% tổng sản lượng lúa và thủy sản của cả nước./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục