Sẽ xếp hạng triển khai chính phủ điện tử hàng năm

Các diễn giả, chuyên gia công nghệ thông tin đã có tranh luận sôi nổi tại hội thảo về thực trạng triển khai chính phủ điện tử Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử Việt Nam 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin cho biết sắp tới Việt Nam sẽ tạo ra và đẩy mạnh cơ chế hợp tác công-tư trong xây dựng chính phủ điện tử, hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng 63 tỉnh, thành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai chính phủ điện tử.

Hội thảo trên diễn ra ngày 15/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Hướng tới Chính phủ, chính quyền điện tử hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015” do Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã tranh luận rất sôi nổi về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là thực trạng triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Việc triển khai các đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010” (Đề án 30) và “Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước 2008-2010” trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Đến nay đã có 5.700 thủ tục hành chính và hơn 9.000 quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính được thống kê và số hóa; trong đó có 258 thủ tục được ưu tiên đơn giản hóa, chủ yếu thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai... Các hình thức cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm khoảng 5.700 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD/năm cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam.

Ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2010, Việt Nam đứng thứ 90/192 nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực công. Vì vậy, còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu lọt vào tốp 50 và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin từ nay đến 2015.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng lưu ý các bản xếp hạng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức độ chấp nhận dịch vụ điện tử cao nhất trên thế giới. Đây là thời điểm thích hợp nhất để xây dựng chính phủ điện tử, khi mà điều kiện về hạ tầng, Internet, mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng đều đã ở mức cao.

Sự hợp tác công-tư để đảm bảo sự phát triển nhanh của các dịch vụ điện tử cũng là một trong những vấn đề nóng được hội thảo đề cập.

“Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015” gồm 20 dự án được xem là một phần quan trọng trong cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin.

Năm 2010 được coi là mốc quan trọng trong việc triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam, là năm kết thúc mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước mà Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2006-2010.

Đây cũng là năm định hướng các giải pháp công nghệ thông tin giai đoạn 2011-2015, cùng với việc triển khai các Quyết định 43/2008/QĐ-TTg và 48/2009/QĐ-TTg về ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong các cơ quan Nhà nước, kế hoạch quốc gia về “Ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông trong các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” với tổng đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 20 dự án quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Hữu Duyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục