LHQ chỉ định người điều tra vụ tấn công tàu viện trợ

UNHRC đã công bố danh sách phái đoàn điều tra vụ Hải quân Israel tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ quốc tế đến Gaza cuối tháng 5.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) ngày 23/7 đã công bố danh sách phái đoàn điều tra vụ Hải quân Israel tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ quốc tế đến Dải Gaza cuối tháng Năm vừa qua, làm chín nhà hoạt động người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Chủ tịch UNHRC, Đại sứ Sihasak Phuangketkeow của Thái Lan, cho biết phái đoàn ba thành viên gồm ông Karl T. Hudson-Phillips người Trinidad and Tobago, từng là thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế; ông Desmond de Silva người Anh, từng là công tố viên trưởng của Tòa án Liên hợp quốc về Sierra Leon; và bà Mary Shanthi Dairiam người Malaysia.

Các chuyên gia trên sẽ tìm hiểu các sự kiện xung quanh vụ tấn công tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ để xác định những vi phạm luật pháp quốc tế của Israel. Ông Sihasak kêu gọi tất cả các bên hợp tác đầy đủ với phái đoàn điều tra vì lợi ích của các bên cũng như của toàn thể cộng đồng quốc tế. Ông cũng bày tỏ hy vọng sự điều tra độc lập và vô tư của các chuyên gia sẽ làm rõ các sự kiện, góp phần củng cố hòa bình và công lý trong khu vực.

UNHRC quyết định thành lập phái đoàn điều tra trên từ ngày 2/6, ba ngày sau vụ lính đặc nhiệm Israel tấn công đoàn tàu cứu trợ gồm sáu chiếc ở vùng biển quốc tế đang hướng về Dải Gaza, gây phẫn nộ trong dư luận thế giới.

Hiện ba chuyên gia trên đang lập kế hoạch hành động và liên lạc với tất cả các bên trước khi lên đường đến khu vực. Theo kế hoạch, nhóm điều tra sẽ nghe điều trần của những người ra quyết định ở cấp cao trong quân đội và chính quyền Israel liên quan đến kế hoạch tấn công hôm 31/5, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Kết luận điều tra sẽ được báo cáo với UNHRC tại một phiên họp vào tháng Chín tới.

Tuần trước, một cuộc điều tra do quân đội Israel tiến hành đã thừa nhận có những "sai sót nghiệp vụ ở cấp cao" dẫn tới "hậu quả không mong muốn" trong vụ này. Tuy nhiên, họ cũng kết luận rằng việc Hải quân Israel phải sử dụng vũ khí nóng là có cơ sở.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak ngày 23/7 cảnh báo nước này sẽ chặn bất cứ tàu nào tham gia đoàn tàu cứu trợ của Lebanon tới Dải Gaza.

Phát biểu trên đài truyền hình Israel, ông Barak cho rằng kế hoạch của Lebanon đưa tàu cứu trợ mới trong những ngày tới nhằm phá vỡ lệnh phong tỏa Gaza là "hành động khiêu khích không cần thiết." Ông cảnh báo đoàn tàu này nên làm theo hướng dẫn của Hải quân Israel cập cảng Ashdod của Israel, nếu không, "Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc chặn đoàn tàu này ngoài khơi."

Quốc tế gia tăng sức ép yêu cầu Israel dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza sau vụ tấn công đoàn tàu cứu trợ quốc tế. Tel Aviv đã nới lỏng phong tỏa trên bộ, mở cửa khẩu và tăng lượng hàng cứu trợ vào Gaza, song vẫn duy trì lệnh phong tỏa trên biển.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc, ông Martin Nesirky cho biết lượng hàng cứu trợ vào Gaza đã tăng đáng kể, song vẫn chưa đủ và Liên hợp quốc sẽ tiếp tục kêu gọi Israel dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục