Có một "nước Nga thu nhỏ" ngay trong lòng Israel

Ở Israel - "nước Nga thu nhỏ," cứ sáu người dân thì có một người sinh ra, lớn lên ở SNG và nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ.
Không phải ai cũng biết ở đất nước Israel nhỏ bé, trong số khoảng 7,5 triệu dân thì có đến 1,2 triệu người từng là công dân thuộc 15 nước cộng hòa của Cộng hòa Liên bang Xô Viết, nay gọi là các nước SNG, hay Liên Xô cũ.

Văn hóa Nga

Theo giáo sư-tiến sĩ Zeev Hanin đến từ Đại học Tổng hợp Bar-Ilan, trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm khoảng 50.000 người Do Thái từ các nước SNG hồi hương về Israel.

Có lẽ vì thế, không ngạc nhiên khi trong buổi lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phátxít Đức diễn ra cuối tháng Năm, Tổng thống Israel Shimon Peres phải thốt lên: “Israel là nước duy nhất không phải là nước Nga, mà ngoài đường phố vang lên tiếng Nga và văn hóa Nga đang chảy trong huyết mạch.”

Ở "nước Nga thu nhỏ" này, cứ sáu người dân Israel thì có một người sinh ra, lớn lên ở SNG và nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ.

Cũng tại đây, có đến 50 tờ báo, tạp chí xuất bản bằng tiếng Nga và ba kênh truyền hình chỉ phát sóng bằng thứ ngôn ngữ này.

Người đứng đầu đất nước Israel phải thừa nhận ảnh hưởng của văn hóa Nga rất mạnh, từ trong triết học, văn học, thi ca.. cho đến đời sống hàng ngày. Ngoài đường phố, rất nhiều người nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga và không ít cửa hiệu trưng bảng bằng tiếng Nga.

Hơn nữa, có tới 24 nhà khoa học gốc Do Thái từng đoạt giải Nobel từ khi còn ở Liên Xô cũ đã trở về Israel. Nhiều người Israel hiện nay từng nhận bằng cấp và đã có cống hiến nhất định cho nước Liên Xô cũ.

Đặc biệt, tại Israel hiện nay, ngoài Chủ tịch Thượng nghị viện, trong Chính phủ còn có những vị bộ trưởng từng sinh ra và lớn lên ở Liên Xô như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thông tin, Bộ trưởng Du lịch, Bộ trưởng Hồi hương...

Theo một nhà báo Israel thì số bộ trưởng từ Liên Xô cũ trở về phải chiếm 1/4 nội các hiện nay của Israel.

Tuy nhiên, không phải tất cả những ai từ SNG trở về cũng có thể hội nhập ngay với cuộc sống mới ở đây. Nhiều người và con cháu họ chưa thông thạo tiếng Do Thái. Trừ một số ít có khả năng kinh tế, có tên tuổi, đa phần những gia đình hồi hương có cuộc sống khó khăn, làm công trong các nhà máy với đồng lương chỉ vừa đủ sống.

Những người trở về muộn hơn thì khá hơn, khi họ được phép bán nhà của mình ở SNG để có tiền mua nhà mới ở Israel.

So sánh cuộc sống hiện nay ở Tel Aviv với ở SNG, một phụ nữ bán mỹ phẩm cười buồn nói: “Trước kia tôi làm giáo viên, còn bây giờ thì bán hàng thuê cho người ta.”

Một nữ nhà báo Israel tâm sự: “Người Do Thái chúng tôi thường không đẹp lắm”. Bà cho rằng: "Tất cả những cô gái tóc vàng xinh đẹp đều từ Nga trở về!”

Thế hệ con cái của những gia đình từ SNG trở về muốn tiến xa hơn bố mẹ trong xã hội mới đều phấn đấu phải vào đại học bằng được, dù có phải làm thêm vất vả để đủ tiền trang trải. Họ tin rằng sau khi tốt nghiệp, có công việc ổn định, cuộc sống sẽ khá hơn nhiều.

Tâm hồn Nga

Lớp trẻ từ Nga trở về cũng như nhiều bố mẹ họ, ở Israel nhưng không ngừng dõi theo những sự kiện xảy ra ở nước Nga.

Năm nay cả thế giới kỷ niệm 65 năm chiến thắng phátxít Đức và đó là một trong những lý do Israel xin được đăng cai tổ chức Hội nghị Báo chí toàn thế giới ra bằng tiếng Nga (tiếng Nga gọi tắt là VARP) tại Tel Aviv.

Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng được Chính phủ Israel long trọng tổ chức tại sân vận động có sức chứa 10.000 người ở Latrun, cách Tel Aviv 30km.

Tham dự buổi lễ, ngoài các lãnh đạo cao cấp nhất còn có hàng nghìn cựu chiến binh từ Liên Xô cũ trở về, trên ngực lấp lánh huân chương.

Trong chiến tranh, phátxít Đức đã diệt chủng tới 6 triệu người Do Thái sống ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế, Israel rất trân trọng chiến thắng của Liên Xô và đồng minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Israel Shimon Peres đã điểm lại những thành tích mà người gốc Do Thái ở Liên Xô đã đóng góp trong chiến tranh với 153 quân nhân được phong danh hiệu “Anh hùng Liên Xô,” 200.000 chiến sĩ Hồng quân gốc Do Thái đã hy sinh ngoài mặt trận.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948 là thành quả của chiến thắng chống phátxít Đức. Chiến công của Hồng quân Liên Xô đã được đưa vào giảng dạy trong các trường học của Israel.

Chương trình văn nghệ tại buổi lễ kéo dài gần 3 giờ đồng hồ do các nghệ sĩ Israel trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Nga.

Những bài hát, bài thơ Nga nổi tiếng thời chiến tranh vệ quốc khiến những người tham dự có cảm tưởng như họ đang ở nước Nga./.

Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục