Dòng người tị nạn Kyrgyzstan bắt đầu hồi hương

Hàng chục nghìn người Kyrgyzstan chạy lánh nạn sang nước Uzbekistan láng giềng đã hồi hương bất chấp tình hình vẫn căng thẳng.
Chính quyền Kyrgyzstan ngày 22/6 cho biết hàng chục nghìn người chạy lánh nạn sang nước Uzbekistan láng giềng đã hồi hương, tuy nhiên, tình hình tại đây vẫn căng thẳng do những người phản đối tiếp tục chống đối nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước.

Cơ quan biên giới Kyrgyzstan cho biết 35.000 người tị nạn đã hồi hương. Người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Uzbekistan cho biết các nhân viên cứu trợ đã chứng kiến một số lượng lớn người tị nạn trở về quê nhà qua biên giới.

Các vụ gây rối lớn đã chấm dứt ở miền Nam Kyrgyzstan, tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa ổn định trong khi chính quyền lâm thời chuẩn bị cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp vào ngày 27/6 tới.

Khoảng 1.000 người biểu tình giận dữ đã la ó phản đối người đứng đầu chính quyền lâm thời Rozza Otunbaiyeva khi bà này gặp gỡ giới lãnh đạo và người dân thành phố Nuker ở miền Nam.

Những người biểu tình bày tỏ giận dữ vì mức sống sụt giảm kể từ sau khi chính quyền lâm thời lên nắm quyền và yêu cầu tổ chức bầu cử thay vì trưng cầu ý dân.

Trong khi đó, hãng tin Nga Itar-tass cho biết tình hình tại thành phố Osh đang trở lại bình thường, các công tác khôi phục thành phố đang tiếp diễn. Tuy nhiên, chính quyền ở đây cho biết nhà chức trách cần tiến hành thu giữ một số lượng lớn vũ khí đã bị người dân chiếm giữ trong thời gian xảy ra các cuộc xung đột.

Trong một động thái khác, bất chấp tình hình an ninh đang cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại miền Nam Kyrgyzstan, cộng đồng thế giới vẫn tiếp tục công tác cứu trợ cho người dân nước này. Công ty hàng không Nga "Sibir" đã nối lại các chuyến bay thường kỳ tới thành phố Osh, vốn bị tạm dừng ngày 12/6.

Các nước Italy, Na Uy, Ireland và Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc ngày 22/6 đã tổ chức một chuyến bay chung chở hàng viện trợ nhân đạo gồm 40 tấn hàng hóa cho người tị nạn Kyrgyzstan.

Các tổ chức của Liên hợp quốc đã tiếp cận và trợ giúp được hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực ở đất nước Trung Á này.

UNHCR cho biết đã lập lại văn phòng ở Osh và Jalal-Abad để cùng các đối tác đánh giá nhu cầu và phân phát đồ cứu trợ. Tổ chức này đã phân phát được 240 tấn hàng cứu trợ nhân đạo ở Uzbekistan.

Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết bất chấp khó khăn an ninh, chuyến hàng cứu trợ của tổ chức này cũng đã tới được Osh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều phối các nỗ lực y tế quốc tế ở cả Kyrgyzstan lẫn Uzbekistan, cho biết đã xuất hiện hàng loạt nhu cầu khẩn cấp ở cả hai nước này. WHO đã triển khai các nhóm đánh giá tình hình và điều phối các hoạt động trợ giúp y tế ở Osh và Jalal-Abad của Kyrgyzstan và Andijan của Uzbekistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục