Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về ba dự án luật

Các đại biểu Quốc hội đã nghe các tờ trình dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thanh tra (sửa đổi), Luật khoáng sản (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật thanh tra (sửa đổi), Luật khoáng sản (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của các ủy ban tài chính, ngân sách; ủy ban pháp luật; ủy ban kinh tế.

Cần có sắc thuế riêng bảo vệ môi trường

Theo dự án Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, hiện Việt Nam chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng loại hàng hóa này.

Song, thời gian qua, Chính phủ đã áp nhiều loại thuế, phí, lệ phí như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn… nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường.

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về dự án Luật thuế này cho thấy đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 3 của Dự thảo Luật gồm 5 nhóm là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng là chưa đầy đủ.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban tài chính, ngân sách cho rằng về nguyên tắc, đối tượng chịu thuế phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tại thời điểm bước đầu áp dụng luật, có thể xem xét, lựa chọn đối tượng và áp dụng theo lộ trình thích hợp để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế, cũng như việc khi không thu phí xăng dầu (theo quy định tại Điều 13) thì có cần thiết phải bổ sung vào hệ thống pháp luật về phí, lệ phí quy định về cầu đường hay không vì hiện nay phí cầu đường đang được thu qua phí xăng dầu.

Đối với quy định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng chịu thuế nếu không sử dụng trong nước mà xuất khẩu thì không phải chịu thuế (khoản 3 Điều 4), có đại biểu cho rằng chưa hợp lý, cần xác định trách nhiệm bảo vệ môi trường chung trên trái đất, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu gây ô nhiễm môi trường cũng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế bảo vệ môi trường.

Xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra

Thẩm tra về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban pháp luật cho rằng cần xác định lại địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra. Bởi, theo Dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.

Thanh tra các bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp. Đã là một cơ quan cấp bộ trong bộ máy nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công.

Trong khi đó, theo quy định của dự thảo luật, Thanh tra Chính phủ lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ và cơ quan thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Mặt khác, thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.

Theo Ủy ban pháp luật, nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra như các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ đã đề ra.

Những sửa đổi, bổ sung như của dự thảo Luật là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu để phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; tổ chức lại hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực; xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; quy định về ngạch thanh tra viên; trình tự thủ tục trong hoạt động thanh tra.

Không quy định khoản thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản

Dẫu còn có một số ý kiến khác nhau về các quy định của Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi), song theo đánh giá của Ủy ban kinh tế, Dự thảo Luật đã có có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng hơn, khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, bổ sung những quy định mà Luật hiện hành còn chưa đề cập tới.

Đa số các ý kiến đều đồng tình với các quy định về Chiến lược tài nguyên khoáng sản (Điều 30); Quy hoạch khoáng sản (Chương VI) và thẩm quyền lập quy hoạch (Điều 33, 34, 81); giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thẩm quyền cấp phép; đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Ủy ban kinh tế đề nghị Quy hoạch khoáng sản bao gồm Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước và Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục