Rùa chưa biết về đâu?

Chưa có phương án tái xuất 40 tấn rùa tai đỏ độc

Công ty nhập khẩu 40 tấn, tương đương 24.000 con rùa tai đỏ độc hại từ Mỹ cho biết đơn vị vẫn chưa có phương án xử lý số rùa này.
Về vụ nhập khẩu 40 tấn, tương đương 24.000 con rùa tai đỏ độc hại gây tai tiếng đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn buộc phải xuất trả sang Mỹ, chiều 2/8, ông Nguyễn Chí Thảo - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), đơn vị nhập khẩu số rùa, cho biết công ty vẫn chưa có phương án xử lý số rùa này.

Trước đó, ông Võ Đông Đức - Giám đốc Caseamex báo cáo sẽ tìm cách tiêu thụ triệt để số rùa hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc trả về nơi đã nhập là Mỹ trong vòng 3 tuần, chậm nhất đến đầu tháng Tám.

Cũng theo ông Võ Đông Đức, số rùa trên được Cục nuôi trồng Thủy sản cấp phép nhập về để làm thực phẩm (với giá nhập 140.000 đồng/kg) chủ yếu tái xuất sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, loài rùa được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới liệt kê đứng đầu trong 206 loài nguy hại toàn cầu đối với môi trường tự nhiên, nên không xuất được sang nước thứ ba.

Sự cố này đã gây thiệt hại rất lớn cho công ty nhưng phương án tái xuất trở lại Mỹ đến thời điểm này vẫn không khả thi.

Do mục đích nhập về làm thực phẩm (giấy phép ghi rõ tuyệt đối không được nuôi) nên trong thời gian chờ tìm nguồn tiêu thụ (chủ yếu các nhà hàng), số rùa này hiện đang được Caseamex đưa về tạm nuôi tại Trung tâm Giống Kỹ thuật Thủy sản ở ấp Mái Dầm, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Sau gần 4 tháng tạm nuôi, số rùa này đã bị hao hụt rất nhiều, lượng tiêu thụ thấp, hiện còn khoảng 18.770 con, tương đương gần 30 tấn. Điều đáng lo ngại hơn là lứa rùa đang trong thời kỳ sinh sản và đây là một hiểm họa tiềm ẩn đối với môi trường mà ngành thủy sản tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lo ngại.

Trước áp lực lo lắng của dư luận, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty Caseamex khẩn trương xử lý, chậm nhất là trong quý 3/2010 phải đưa hết đàn rùa tai đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Phòng cảnh sát môi trường Công an Cần Thơ phối hợp Cơ quan thú y vùng VII đã đến khảo sát thực tế tại ba ao nuôi tạm, yêu cầu Caseamex cam kết quản lý xử lý số rùa chết đúng quy định an toàn về môi trường; đảm bảo tuyệt đối không để cá thể nào thất thoát ra ngoài; tiêu hủy toàn bộ trứng rùa phát sinh và hàng tháng phải thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y./.

Trần Khánh Linh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục