Phòng dịch cho vật nuôi: Nhiều thiếu sót, lắm tồn tại

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương còn bị lơ là.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương còn bị lơ là.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y đã có cuộc trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm khu vực phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 17/2.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước. Công tác phòng chống dịch năm 2009 nổi lên những vấn đề gì, thưa ông?

Chúng ta đã có chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm. Nhưng đến nay, việc triển khai phòng chống dịch không thấu đáo, tiêm phòng không đúng kỹ thuật, thiếu lò giết mổ tập trung.

Vấn đề vận chuyển gia súc, kiểm soát giống, gia súc vào địa phương không chặt chẽ, không đúng quy định  kiểm dịch chất lượng con giống của nhà nước đã thành nguyên nhân lây lan dịch bệnh như ở Long An, Kon Tum… và một số nơi khác.

Mặt khác, do hai năm qua, dịch bệnh ở nước ta chỉ xảy ra nhỏ lẻ, nhiều địa phương đã chủ quan, lơ là, không nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thậm chí có nơi còn không tổ chức tiêm phòng dịch hoặc tiêm không đủ số mũi quy định.

Thưa ông, diễn biến dịch cúm gia cầm ở đồng bằng sông Cửu Long hiện rất phức tạp. Theo ông, công tác dập dịch sẽ được triển khai như thế nào?

Hiện, dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng không lây lan như những năm trước mà tập trung thành từng ổ tại những nơi đàn gia cầm chưa được tiêm phòng.

Chúng ta đã có “vũ khí” rồi, vấn đề tiêm vacxin H5N1 được triển khai đúng quy định, sẽ gây miễn dịch. Nhưng theo tôi, cần thắt chặt công tác phối kết hợp giữa địa phương, các ngành liên quan, tạo thông tin hai chiều, phát hiện dịch sớm, dập dịch kịp thời.

Việc khẩn cấp hiện nay phải kiểm soát, giám sát các đàn thuỷ cầm địa phương và lượng gia cầm lưu chuyển từ các địa phương khác đến để tiêm phòng bổ sung. Mặc dù đã có chủ trương rồi, nhưng nơi làm được, nơi không… nên triển khai việc này rất khó khăn.

Theo diễn biến những năm gần đây, tháng 3, 4 là thời điểm thường xảy ra dịch heo tai xanh. Năm nay,  khi thời điểm đó đang tới gần, ông có khuyến cáo gì?

Hàng năm, chúng tôi tổ chức tiêm phòng vacxin thành hai đợt tháng 8 và tháng 4. Thời điểm tháng 3, tháng 4, hầu hết vacxin hết miễn dịch, những đàn nuôi mới cũng chưa được tiêm phòng.

Một mình virut tai xanh có thể mang trùng nhưng không làm gia súc chết. Năm 2008, do vận chuyển gia súc không được hạn chế đã reo rắc virút tai xanh ra nhiều nơi. Vì vậy, các địa phương, trại giống và con nông dân cần quản lý chặt việc vận chuyển giết mổ, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn lợn theo quy định của cơ quan thú y.

Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh cần tổ chức song song với quy hoạch chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiêm túc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định  đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác tham gia.

Thưa ông, đối với những địa phương không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ bị xử lý như thế nào?

Do ý thức người dân, tập quán chăn nuôi nhỏ, lẻ nên khi đưa vacxin đến cơ sở chăn nuôi, người dân không tiêm thì cán bộ thú y cũng phải “bó tay”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục thú y... không có chức năng xử lý những đơn vị không thực hiện, các biện pháp phòng, chống dịch. Đó là trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng khác.

Nhưng với trách nhiệm của mình, ngành nông nghiệp, thú y đã đưa khuyến cáo: Địa phương nào không thực hiện các quy định về tiêm phòng dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ của nhà nước khi có dịch.

Cuối tháng 2, hoặc đầu tháng 3, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chế tài xử phạt theo Nghị định 129.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã dự thảo và lấy ý kiến Quy định về lựa chọn con giống được sử dụng trong các dự án và thực hiện các quy định kiểm dịch động vật.

Tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ở nhiều nơi đạt rất thấp, chỉ từ 2 - 4% trong khi phải 8% trở lên mới miễn dịch được cho đàn gia súc. Nhưng theo tôi, tiêm phòng phải được ý thức từ người chăn nuôi chứ không phải vận động, ép buộc như bây giờ./.

Hải Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục