Kho dữ liệu nghiên cứu của sự phân chia tế bào

Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành dự án kho dữ liệu nghiên cứu sự phân chia tế bào dựa trên cơ sở di truyền của sự phân chia tế bào.
Với thời gian sáu năm, 11 cơ quan nghiên cứu và công ty của châu Âu đứng đầu là Viện nghiên cứu bệnh học phân tử của Áo, đã hoàn thành dự án “MitoCheck” xây dựng kho dữ liệu nghiên cứu sự phân chia tế bào dựa trên cơ sở di truyền của sự phân chia tế bào.

Làm thế nào từ một tế bào có thể phân chia thành hai tế bào, hai tế bào phân chia thành bốn tế bào, và cuối cùng từ số ít tế bào phát triển thành thể sinh vật hoàn chỉnh, đó là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà sinh vật học và y học thế giới trong suốt một nửa thế kỷ qua.

Mặc dù chúng ta từ rất sớm đã quan sát được sự phân chia tế bào thông qua kính hiển vi, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tìm hiểu được loại gen nào quyết định đến sự phân chia đó.

Để tìm ra loại gen quyết định sự phân chia tế bào, các nhà khoa học đã tiến hành phân ra các công đoạn nghiên cứu.

Cụ thể các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm sinh vật học phân tử có trụ sở tại Heidelberg phụ trách việc tiêu diệt lần lượt và có hệ thống tổng cộng 22.000 gen trong tế bào của con người. Sau đó, tiến hành quan sát dưới kính hiển vi để xem những tế bào này có thể tiếp tục thực hiện sự phân chia bình thường hay không.

Trong khi đó các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu bệnh học phân tử Viên phụ trách nghiên cứu một loại protein được sản sinh từ những gen trên làm thế nào có thể tổ hợp thành cơ quan phân tử nhỏ, sau đó lại tiếp tục kích hoạt sự phân chia tế bào.

Các nhà khoa học đã thu thập tất cả số liệu liên quan để xây dựng kho dữ liệu hệ gen loài người trên cơ sở nghiên cứu cơ sở di truyền của sự phân chia tế bào.

Michael Peters thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “dữ liệu của chúng tôi sẽ trở thành nguồn thông tin chủ yếu cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu y học và sinh học.

Thành quả nghiên cứu này không những là cột mốc trong việc lý giải sự phân chia tế bào, mà còn được sử dụng trong các hệ thống khoa học sự sống khác. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này còn thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới như việc khai thách kính hiển vi tự động và công nghệ proteomics.”/.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục