Đức dẫn đầu về phát triển hậu cần thương mại

Bảng công bố xếp hạng của WB về phát triển hậu cần thương mại (LPI) ngày 15/1 cho thấy, Đức dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.
Ngày 15/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bảng xếp hạng về phát triển hậu cần thương mại (LPI) trong nền kinh tế toàn cầu, theo đó, Đức dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này trong 155 nền kinh tế được WB khảo sát.

Theo bảng xếp hạng LPI năm 2010 của WB, giữa các nền kinh tế thu nhập cao và các nền kinh tế đang phát triển có khoảng cách lớn về hậu cần thương mại.

Các nền kinh tế thu nhập cao chiếm hầu hết các vị trí quan trọng nhất của dây chuyền cung cấp cả trong phạm vi khu vực và toàn cầu.

Các nước có hậu cần thương mại tốt có tốc độ tăng trưởng kinh tế thực cao hơn, nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn hơn và tăng cường được vị thế đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển cũng phát triển hậu cần thương mại tốt hơn mức độ tương ứng với mức thu nhập của nền kinh tế các nước này.

10 nước hàng đầu trong số trên là Trung Quốc (được xếp thứ 27/155), Nam Phi (28/155), Thái Lan (35/155).

Trung Quốc dẫn đầu các nước đang phát triển khu vực Đông Á, Ấn Độ dẫn đầu khu vực Nam Á, Ba Lan dẫn đầu khu vực Trung và Đông Âu, Lebanon dẫn đầu khu vực Trung Đông và Brazil dẫn đầu khu vực Mỹ Latinh.

Báo cáo “Nối kết để cạnh tranh năm 2010“ của WB khẳng định khả năng của các nước chuyển dịch hiệu quả hàng hóa và kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng với các thị trường quốc tế đã được cải thiện.

Tuy nhiên, cần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn và bảo vệ lợi ích của các công ty trong quá trình phục hồi buôn bán toàn cầu.

Theo Chủ tịch WB Robert B. Zoellick, cạnh tranh kinh tế đã thúc đẩy các nước phát triển và cải thiện hậu cần thương mại để chuyển giao hàng hóa một cách hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Hợp lý hóa liên kết giữa các thị trường, nhà sản xuất công nghiệp, nông dân và người tiêu dùng sẽ tạo ra những cơ hội đầu tư và tăng trưởng lớn và đây phải là trọng tâm của các chiến lược tăng trưởng của các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục