Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập và hội nhập

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế là điều kiện cơ bản để Việt Nam hiện đại hóa đất nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều kiện cơ bản để Việt Nam hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Phát biểu tại hội thảo “Mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” nhằm đề xuất những kiến nghị góp phần tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, tổ chức ngày 7/10, tại Vĩnh Phúc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, cho rằng sức mạnh tổng hợp của quốc gia chính là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của nội lực kết hợp với sức mạnh của ngoại lực, sức mạnh tổng hợp của kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ quá trình nhận thức, phát triển tư duy lý luận của Đảng về mối quan hệ và giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ góc độ chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội; tình hình thực hiện mối quan hệ này từ khi ban hành Cương lĩnh từ năm 1991 đến nay.

Nêu bật những thành tựu và chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém trong việc giải quyết mối quan hệ này trong gần 20 năm qua, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Cương lĩnh giải pháp có tính chiến lược để thực hiện tốt mối quan hệ này.

Phân tích mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ góc độ chính trị, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, không thể có độc lập, tự chủ đích thực nếu cô lập, tách ra khỏi tiến trình chung của nhân loại. Muốn vậy phải tăng cường sức mạnh quốc gia về mọi mặt.

Tiền đề quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc gia là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ cả về kinh tế và chính trị.

Đổi mới chính trị để thúc đẩy đổi mới kinh tế, tập trung vào định rõ nội dung và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu cơ bản nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc. Để giữ vững độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng cường đa dạng hóa và mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác, thực hiện nhiều cách thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt theo nhiều phương, nhiều tuyến, nhiều tầng là cách thức để tạo ra một dải lựa chọn, khiến cho Việt Nam không bị lệ thuộc vào bên ngoài.

Tăng cường sức mạnh quốc gia là yếu tố then chốt để giảm sự “tùy thuộc bất đối xứng” không có lợi cho Việt Nam. Khi giải quyết các vấn đề toàn cầu, cần phải tăng cường sức mạnh "mềm" của đất nước để các chính sách quốc gia có được sự ủng hộ và giúp đỡ cao của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục