"Báo hiếu" hộ thiên hạ

Chuyện những người "báo hiếu" hộ ở bệnh viện

Gạt bỏ ý nghĩ làm theo kiểu "bóc bánh trả tiền", họ đang thực hiện một "sứ mệnh" cao cả hơn-hoàn thành chữ hiếu, thay cho một số người. Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Nâng giấc từ giấc ngủ đến bữa ăn cho những người không chút liên quan ruột thịt, phải đối diện với những thứ được cho là bẩn thỉu nhất ở trên đời…Đó là những từ ngữ chính xác nhất để miêu tả những người phụ nữ làm nghề giúp việc trong các bệnh viện.

Họ là những người làm công ăn lương theo kiểu “bóc bánh trả tiền” nhưng mặt khác, những người này cũng đang thực hiện một "sứ mệnh" cao cả hơn-đó là hoàn thành chữ hiếu thay cho một số người không có điều kiện...

“Cần lắm cái tình người”

Trong một giây phút thoải mái hiếm hoi của mình, chị Bùi Thị Xuân (Nông Cống-Thanh Hóa) giúp việc trong bệnh viện hữu nghị Việt Xô được hơn 5 năm nay tâm sự: “Làm công việc này rất cần phải có lương tâm. Mặc dù chỉ là làm công ăn lương nhưng những công việc mình làm lại đôi khi có ý nghĩa vô cùng. Nhiều bệnh nhân không thể nhận biết cho gì ăn nấy, lúc đó nếu như không có tình người thì có lẽ sẽ làm gian dối”.

Hầu hết các bác sĩ, y tá, nhân viên của bệnh viện Việt Xô đều biết đến tên chị Xuân sau gần nửa thập kỷ chị gắn bó với nơi đây. Với công việc của một "y tá không chuyên" trong bệnh viện, đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân được bàn tay của chị chăm sóc. Cũng có người khỏe lên nhưng cũng có người đã sang bên kia thế giới. Với chị Xuân, mỗi một bệnh nhân là mỗi một câu chuyện khác nhau. 5 năm không phải quá dài nhưng cũng đủ để chị lấp đầy trí nhớ của mình bằng những kỷ niệm bi ai từ công việc chăm sóc bệnh nhân.

Bắt đầu một cách ngẫu nhiên, chị kể về trường hợp của một thanh niên tên Quân quê ở Thái Bình gặp tai nạn giao thông cách đây đã hơn 3 năm. “Học xong đại học, vừa đi làm chưa đầy tháng thì trong một lần đi dự đám cưới bạn, Quân bị ôtô đâm. Vào viện trong tình trạng bất tỉnh, được các bác sĩ điều trị nhưng Quân vẫn hôn mê rất sâu. Nửa tuần trôi qua mà bệnh nhân vẫn không tỉnh lại, bệnh viện đã tính đến việc trả về gia đình nhưng mẹ của Quân nhất quyết không cho về và luôn khẳng định rằng con mình vẫn còn sống”.

Theo ý nguyện của người nhà nên bệnh viện đồng ý để Quân ở lại với tình trạng 9 phần chết, 1 phần sống. Chị Xuân kể tiếp: “Gia đình Quân thuê mình chăm sóc với điều kiện phải luôn túc trực 24/24 với tiền công gấp đôi so với bình thường. Chăm sóc Quân thì chả phải làm gì vì gần như đã chết lâm sàng. Ngày ngày chỉ lấy nước rửa mặt, rửa chân, vài ngày thì thay quần áo một lần, thời gian còn lại thì chỉ ngồi nhìn Quân nằm”.

Ròng rã điều trị gần một tháng thì cho đến một hôm “trong lúc mình đang lau rửa chân tay thì thấy ngón tay trỏ của Quân cử động. Các bác sĩ lập tức có mặt và khẳng định Quân đã có dấu hiệu hồi tỉnh. Điều trị hơn một tháng thì Quân được ra viện, tuy có yếu hơn nhưng vẫn có thể đi làm việc bình thường.” - chị Xuân kể.

Rút trong túi áo chiếc thiếp mời đám cưới, chị Xuân nói với cái giọng chân chất của người xứ Thanh tràn đầy vui tươi: “Đây là thiếp mời của Quân đấy. Một tuần nữa nó cưới vợ rồi. Nhất định tôi phải đến dự mới được”.

Việc làm của những người như chị Xuân tuy chỉ là vì đồng tiền bát gạo, nhưng đằng sau đó là thứ tình cảm khá thiêng liêng giữa người với người. “Có những bệnh nhân khi khỏe lại luôn coi chúng tôi như những ân nhân hoặc là người ruột thịt.” - chị Xuân tâm sự.

Tiếp mạch câu chuyện, chị Xuân cho hay: “Bây giờ mình đang chăm sóc một ông cụ ngoài 80 được hơn một tháng nay. Do bị bệnh tim nên việc chăm sóc đòi hỏi khá kỹ lưỡng. Được một cái là ông cụ cứ coi mình như con nên nhiều khi hai bác cháu trò chuyện như người nhà. Lâu dần mình cũng thấy mến ông cụ và mỗi khi chăm sóc đều cố gắng như những người ruột thịt với nhau”.

“Nghề này cũng nguy hiểm lắm…”

Ngồi trong ánh sáng chập choạng của một buổi chiều cuối đông, chị Xuân thở dài nói: "Mọi người cứ nghĩ nghề này chỉ cần chân tay là đủ nhưng mấy ai hay vẫn còn rất nhiều nguy hiểm luôn rình rập..."

Tiền công chăm sóc bệnh nhân thường là từ 70-80 nghìn/ngày. Công việc nói gọn thì trong 4 từ “chăm sóc bệnh nhân” nhưng nó có đến hàng nghìn những việc không tên mà mỗi người giúp việc trong bệnh viện phải thực hiện trong một ngày. Từ việc lo ăn uống đến giờ cho uống thuốc, vệ sinh cho mỗi bệnh nhân cho đến việc động viên tinh thần, ngồi trò chuyện cho bệnh nhân đỡ buồn…

Nhưng nguy hiểm của công việc ở chỗ “sợ nhất là những người có bệnh truyền nhiễm như viêm gan, bệnh ngoài da…Những chị em như chúng tôi làm lâu thì còn biết chứ những người mới làm, ai biết đến mấy biện pháp phòng tránh lây nhiễm đâu.” - chị Thơm, một “đồng nghiệp” của chị Xuân nói.

Rồi ngay cả đến việc vệ sinh cá nhân cho những người bệnh. Chị Thơm kể: “Đa số họ đều đi vệ sinh ngay tại giường, người ngồi bô được còn đỡ chứ gặp những ai đi thẳng thì mỗi lần vệ sinh xong chẳng dám động tay vào bát cơm…”.

Với những người làm nghề giúp việc trong bệnh viện thì “sợ nhất là bệnh ngoài da, có những người lở loét khắp cơ thể nhìn đã thấy kinh chứ chưa nói gì đến việc lau chùi vệ sinh. Nhưng dù có sợ thì vẫn phải làm vì đó là công việc”.

Rồi chị Xuân kể về trường hợp bất hạnh của người đồng nghiệp tên Thúy. “Mới đi làm đã phải chăm sóc một bệnh nhân bị bệnh ho lao. Ít kinh nghiệm nên đến khi bệnh nhân ra viện thì cũng là lúc chị Thúy phải nhập viện và bị kết luận bị lao giai đoạn đầu. Tiền kiếm được chả được bao nhiêu, gia đình phải chạy vạy khắp nơi chạy chữa và từ đó không dám lên bệnh viện để làm nữa”.

Ngay bản thân chị Xuân thời gian đầu tiên khi mới đi làm cũng bị lây bệnh ngoài da của bệnh nhân nhưng rất may thuốc thang một thời gian ngắn là khỏi./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục