Củng cố, nâng cấp đê biển ứng phó biến đổi khí hậu

Bằng nguồn vốn của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, khoảng 2.700 tỷ đồng, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã nâng cấp được 200km đê biển.
Theo Cục quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão, bằng nguồn vốn của Chính phủ và các tổ chức quốc tế với tổng kinh phí khoảng 2.700 tỷ đồng, hiện các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã nâng cấp được khoảng 200km đê biển.

Đây là một trong hai chương trình củng cố, nâng cấp hoàn thiện hệ thống đê biển được thực hiện từ năm 2006, nhằm ngăn chặn những tác động bất lợi từ biển, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước hình thành trục giao thông ven biển của nước ta.

Bờ biển Việt Nam có tổng chiều dài trên 3.200km, nhưng đến nay Việt Nam đã có hệ thống đê biển, đê cửa sông khép kín với chiều dài trên 3.000 km.

Trước những thách thức về nguy cơ của nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu và những đòi hỏi trong phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển, Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình nâng cấp đê biển các tỉnh ven biển, bao gồm chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam từ năm 2006; chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang từ năm 2009 đến năm 2020 với tổng mức đầu tư 19.481 tỷ đồng.

Căn cứ vào tầm quan trọng của khu vực bảo vệ, các cơ quan chức năng đã xác định tiêu chuẩn thiết kế đê biển phù hợp, mức tối thiểu cũng phải chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, theo thứ tự các khu đô thị và khu dân cư tập trung; các công trình quốc phòng, an ninh; khu kinh tế, văn hóa và hạ tầng quan trọng, sau cùng là khu vực sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường quan trắc, nghiên cứu, đánh giá hiện tượng xói lở đê biển theo mùa, do tác động bất lợi của thiên nhiên hoặc những tác động chưa phù hợp của con người…kịp thời đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để phòng tránh hoặc thích ứng với những tác động đó, đảm bảo an sinh và phát triển bền vững của các địa phương ven biển.

Việc trồng rừng ngập mặn ven được xem là giải pháp quan trọng và bắt buộc trong kế hoạch thực hiện chương trình, nhằm phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, sinh thái và giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Vì vậy, các địa phương phải tập trung nguồn lực, nhất là huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn những khu vực đã có rừng cây trước đê, đảm bảo rừng cây có chiều rộng từ 500m-1.000m.

Hiện công tác tổ chức khảo sát, đo đạc, điều tra cơ bản từng vùng, từng địa phương, trên cơ sở đó rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã và đang được các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương tích cực triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục