Đà Nẵng, Vĩnh Long tổ chức đại lễ Phật Đản

Sáng ngày 9/5 (nhằm ngày 15 tháng 4 Âm lịch), tại Chùa Pháp Lâm, Ban Trị sự Thành hội Phật Giáo Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Đại Lễ Phật Đản Phật lịch 2553.

Sáng ngày 9/5 (nhằm ngày 15 tháng 4 Âm lịch), tại Chùa Pháp Lâm, Ban Trị sự Thành hội Phật Giáo Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Đại Lễ Phật Đản Phật lịch 2553.

Tham dự có lãnh đạo thành phố, Quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng ni cùng đồng bào Phật tử thành phố.
 
Sau phần nghi lễ theo nghi thức tôn giáo, toàn thể người tham dự đã tổ chức cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Sau lễ chính thức tại Chùa Pháp Lâm, đạo hữu và Phật tử đã về các cơ sở để tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tư trong suốt cả ngày 15 tháng 4 Âm lịch.
 
Trước đó, Đoàn đại biểu thành phố do Phó Bí Thư Thành uỷ Trương Quảng Nghĩa dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng nhân mùa Phật Đản.
 
Cùng ngày 9/5, tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (Vĩnh Long), Ban trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Vĩnh Long long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2009-Phật lịch 2553, với sự tham dự của các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, các tăng, ni ở các chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường cùng đông đảo bà con phật tử trong tỉnh.
 
Với phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," thời gian qua, Ban trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Vĩnh Long và cá nhân mỗi vị tăng, ni, phật tử trong tỉnh luôn lấy việc tịnh tiến, tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu hướng tới. Qua đó làm cho mối quan hệ đạo-đời ngày càng hòa hợp, gắn bó, góp phần cùng địa phương xây dựng cuộc sống an lạc trong nhân gian.
 
Ban Trị sự, các Ban đại diện, các vị trụ trì các cơ sở Phật giáo trong tỉnh đã hướng dẫn tăng, ni, phật tử phụng sự đạo pháp, chấp hành đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
 
Đồng thời tham gia tích cực vào các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc phát động, đặc biệt là xây dựng được nếp sống văn minh nơi thờ tự với trên 75% cơ sở Phật giáo trong tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các hoạt động nhân đạo, xã hội, từ thiện hướng về cộng đồng ở các cơ sở Phật giáo trong tỉnh luôn luôn được đẩy mạnh.
 
Ước tính mỗi năm, các cơ sở Phật giáo đã thực hiện giá trị phúc lợi cho người nghèo (thông qua các hoạt động cất nhà đại đoàn kết; xây dựng cầu, đường, giao thông nông thôn; bắt mạch cấp thuốc, châm cứu, xung điện; hũ gạo tình thương, nấu cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho người nghèo ở các bệnh viện.v.v.) khoảng 5 tỉ đồng, riêng trong mùa Phật đản, nhiều cơ sở Phật giáo trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động từ thiện vì người nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục