Giá hàng nông sản khởi sắc theo xu hướng chung

Giá của hầu hết các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều tăng, nhờ thông tin tích cực từ thị trường việc làm, tỷ giá đồng USD yếu.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (3/8), giá của hầu hết các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều tăng, nhờ thông tin tích cực từ thị trường việc làm nước này trong tháng 7/2012 cũng như được hỗ trợ bởi tỷ giá đồng USD yếu.

Chốt phiên này, giá cacao tăng 29 USD (1,2%), lên 2.398 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức 2.436 USD/tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 3/2012. Tính chung cả tuần qua, giá của mặt hàng này tăng 2,9%, đánh dấu tuần tăng giá thứ ba liên tiếp nhờ những lo ngại về nguồn cung bị thu hẹp tại châu Phi trước tình hình thời tiết không mấy thuận lợi tại khu vực này.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa LIFFE của London (Anh), giá cacao giao cùng kỳ hạn cũng đóng cửa ở mức 1.647 bảng Anh/tấn, tăng so với mức chốt tuần trước đó là 1.587 bảng Anh/tấn.

Trong khi đó, giá càphê tại thị trường Mỹ cũng đua nhau đi lên, nhờ báo cáo cho hay dự trữ càphê arabica của Mỹ trong tuần bất ngờ sụt giảm, khiến nhiều thương nhân quyết định “om” hàng chờ giá lên trước đồn đoán nhu cầu càphê của nước này có xu hướng tăng.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, tại sàn giao dịch hàng hóa NYBOT-ICE (New York), giá càphê arabica giao tháng 9/2012 tăng 2,15 xu Mỹ (1,3%), lên 1,7380 USD/lb. Tuy nhiên, tại Anh, giá càphê robusta giao cùng kỳ hạn lại hạ xuống còn 2.230 USD/tấn, so với mức đóng cửa tuần trước nữa là 2.239 USD/tấn.

Tuần qua, giá càphê hạt tại Việt Nam cùng ghi nhận các mức tăng, bởi sự gia tăng hoạt động bán hàng cho các công ty xuất khẩu. Tuy nhiên, giới thương nhân cho biết, hoạt động xuất khẩu càphê đang diễn ra với tốc độ chậm do nhu cầu của thị trường nước ngoài vẫn ở mức thấp.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Tổ chức càphê Quốc tế (ICO) cho biết, trong tháng Sáu vừa qua, xuất khẩu càphê toàn cầu tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011, đạt mức 9,58 triệu bao loại 60kg. Lượng xuất khẩu trong chín tháng đầu tiên của niên vụ càphê 2011-2012 (bắt đầu từ tháng 10/2011) đã giảm 0,3%, xuống còn 81,16 triệu bao. Từ đầu niên vụ này, xuất khẩu càphê robusta của thế giới tăng 11%, đạt mức 31,66 triệu bao, chủ yếu là nhờ xuất khẩu của Việt Nam tăng.

Trong khoảng thời gian này, Việt Nam xuất khẩu 18,3 triệu bao càphê robusta, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu càphê arabica của thế giới trong chín tháng đầu niên vụ giảm 6,2%, còn 49,5 triệu bao.

Báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho hay số lượng việc làm mới được tạo ra tại nước này trong tháng 7/2012 đã lên tới 163.000, vượt mức dự báo 100.000 của giới phân tích. Thông tin này đã mở ra triển vọng sáng sủa cho sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong thời gian tới và giúp thị trường hàng hóa toàn cầu đồng loạt “khởi sắc." Song con số này vẫn không đủ để kéo giá đường đi lên trong phiên giao dịch 3/8, do kỳ vọng rằng nguồn cung đường sẽ được cải thiện tại khu vực Bắc bán cầu.

Kết thúc phiên, giá đường thô giao tháng 10/2012 giảm nhẹ 0,04 xu, xuống còn 22 xu/lb, mức thấp nhất kể từ ngày 5/7. Tính chung cả tuần qua, giá mặt hàng này đã giảm tới 2,3%./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục