Lợi ích an sinh xã hội toàn diện vẫn ngoài tầm với

Báo cáo định kỳ 2 năm một lần của ILO phát hiện những khoảng cách rất lớn trong tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội ở đa số các nước.
Trong báo cáo an sinh xã hội thế giới 2010-2011 công bố ngày 16/11, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh dù các biện pháp an sinh xã hội đóng vai trò thiết yếu làm giảm tác động xã hội của các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nhưng các lợi ích của hệ thống an sinh xã hội toàn diện vẫn ngoài tầm với của đa số người lao động.

Báo cáo công bố định kỳ hai năm một lần này phát hiện những khoảng cách rất lớn trong tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội ở đa số các nước, mặc dù an sinh xã hội luôn được thừa nhận giữ vai trò không thể thay thế để ổn định chính trị, kinh tế xã hội.

Chỉ khoảng 20% dân số trên thế giới trong độ tuổi lao động và gia đình họ được tiếp cận đầy đủ hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó chỉ có 17,2% tổng thu nhập nội địa toàn cầu được phân bổ cho an sinh xã hội.

Trung bình chưa đầy 40% người lao động trên thế giới, trong đó chưa đầy 20% người ở độ tuổi 65 trở lên ở các nước thu nhập thấp, được hưởng các chế độ hưu trí.

Chương trình an sinh xã hội cho người thất nghiệp trên thực tế chỉ được thực thi ở 42 trong số 184 nước được ILO khảo sát. Chưa đầy 35% phụ nữ nông thôn ở các nước thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ y tế công.

Tổng Giám đốc ILO J. Somavia cảnh báo cắt giảm an sinh xã hội để củng cố tài chính nhằm đối phó với nợ công và thâm hụt ngân sách không chỉ tác động trực tiếp đến các lợi ích an sinh xã hội và hậu quả là làm suy giảm mức sống của đa số người lao động và gia đình họ, mà còn làm chậm hoặc giảm mạnh nhịp độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng do nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm.

Ông cho rằng khủng hoảng kinh tế tài chính đã làm nổi bật tầm quan trọng của hệ thống các lợi ích an sinh xã hội tối thiểu thích hợp cho tất cả người lao động. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội thích hợp cho tất cả trong đó có sàn an sinh xã hội căn bản như đã được ghi nhận trong Hiệp ước việc làm toàn cầu của ILO hiện đã trở nên cấp thiết.

Chương trình bảo hiểm thất nghiệp phải được coi là biện pháp an sinh xã hội chung nhất cần được áp dụng ở tất cả các nước để hạn chế các tác động của khủng hoảng đối với người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục