Đà hồi phục kinh tế Anh vấp phải rào cản lạm phát

Đà phục hồi kinh tế liên tục của nước Anh vấp phải nhiều thách thức trong 2011, trong đó đặc biệt phải kể đến tình trạng lạm phát.
Quý 4/2009, Anh là nền kinh tế cuối cùng của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20) thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu và hồi phục khá vững trong năm 2010. Tuy nhiên, đà phục hồi này vấp phải nhiều thách thức trong năm 2011, trong đó đặc biệt phải kể đến tình trạng lạm phát.

Sau bốn quý tăng trưởng liên tục kể từ quý 4/2009, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh lại giảm 0,6% trong quý cuối năm 2010, mà nguyên nhân chính là do mưa tuyết kéo dài bất thường trong mùa Đông, khiến sản xuất, giao hàng bị đình trệ, trong khi ngành bán lẻ cũng gặp nhiều khó khăn.

GDP giảm trong quý 4/2010 làm tăng khả năng kinh tế Anh có thể rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (GDP đình trệ, song giá cả vẫn leo thang).

Peter Westaway, chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Âu thuộc Công ty Nomura có trụ sở ở London, nói: "Vấn đề hiện nay là Vương quốc Anh đang chịu nhiều cú sốc do lạm phát gây ra, thuế gián tiếp tăng, giá dầu và lương thực ngày càng cao. Trong khi đó, thu nhập của người dân lại không được cải thiện và điều này sẽ làm nền kinh tế quốc dân tăng chậm lại."

Chris Williamson, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty dịch vụ thông tin tài chính Markit, cho biết Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang đối mặt với nhiều sức ép phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Ngày 6/3, Thủ tướng Anh David Cameron đã tiết lộ kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này thông qua việc cắt giảm thuế và giảm tình trạng quan liêu nhằm khuyến khích doanh nghiệp hoạt động. Ông nói, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Anh sẽ loại bỏ những "kẻ thù" của doanh nghiệp vào cuối tháng này, đó là thuế và thủ tục phiền hà.

Anh đang đối mặt với tình trạng chi tiêu công bị cắt giảm 80 tỷ bảng (130 tỷ USD) theo kế hoạch của chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Cameron đứng đầu, nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách quốc gia. Chính phủ nước này vừa tăng thuế bán hàng, song lại giảm thuế dịch vụ (như đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe) và sắp nâng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục