Cần loại trừ gấp những ca từ phi văn hóa, lẩn thẩn

Ngỡ không vi phạm pháp luật song rất đáng bị lên án mạnh mẽ. Nếu chậm, thảm hoạ ca từ phi nghệ thuật sẽ rắc độc vào hồn người trẻ!
Chuyện trang phục biểu diễn và ca từ phản cảm nhằm “nổi tiếng bằng mọi giá, mọi cách” của các ngôi sao giải trí hoặc các đối tượng hòng “ước mơ vươn tới một vì sao” đang là câu chuyện nóng trên những trang báo.

Những sai phạm tuy không vi phạm pháp luật tới mức phạt tù hoặc phạt tiền nhưng rất đáng bị tất cả những người “không may nghe phải, nhìn thấy" lên án mạnh mẽ, lập tức.

Từ một bài hát đáng sợ!

Phi Thanh Vân đã từng “nổi tiếng” với ca khúc siêu ngắn “Da nâu” và mới đây lại gây phản cảm… tưng bừng với “Tâm hồn là vĩnh cửu.” Nếu xem đoạn clip này của Phi Thanh Vân thì người ta sẽ rất dễ bị “sốc” vì ca từ và phần biểu diễn.

Bài hát được giới thiệu là do Nguyễn Minh Anh sáng tác. Và đây là ca khúc trong phim “Thẩm mỹ viện.” Phi Thanh Vân đã nhảy tung tăng kiểu rất không bình thường, có gì đó giống Xúy Vân trong trích đoạn chèo “Xúy Vân giả dại.” Sau đó, là phần đạo diễn cho cô xấu “ma chê quỷ hờn” rồi cuối bài ca sau khi qua “dao kéo” trở thành đẹp “chim sa cá lặn.”
 
Liếc qua ngỡ như clip hài, nhưng nghe thì quả là khổ tai và dễ gây bức xúc cho những ai có thẩm mỹ ngôn từ và thẩm mỹ âm nhạc. Xin hãy thử nghe: “Phụ nữ chẳng có ai xấu mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi. Ngày xưa em cũng như mọi người nhưng từ khi biết điểm tô sắc đẹp, đời em nay đã đổi thay. Từ khi có chút nhan sắc thì em mới hiểu đẹp xấu chỉ là chuyện phù du…”

Lời ca đi từ chuyện làm đẹp sang chuyện ca ngợi đức hạnh của giới tính với “Nét đẹp phụ nữ mới luôn vững bền.” Sau đó là đúc kết: “Tình yêu thăng hoa thì ta hãy sống vì nhau… Đẹp hay xấu không là vấn đề… Đẹp hay xấu cảm nhận mỗi người… Đẹp ở trong tâm hồn ta đó mới là vĩnh cửu. Và nữa: “Tình chỉ đến với ai biết trân trọng tình yêu.”

Chị Hương, một cô giáo dạy văn ở Đống Đa, Hà Nội nói: “Thấy học trò xem trên điện thoại trong giờ nghỉ, tôi quan tâm thử xem thì quả là không chịu nổi. Một “bài hát” dài và dai dẳng cứ tít mù lại vòng quanh như tra tấn tai… Thật không thể hiểu được tại sao cô diễn viên-người mẫu “Da nâu” lại có “một khát khao, có một ước ao” trở thành ca sĩ cho một bài hát mà ca từ thô vụng, giản đơn. Như lời người lẩn thẩn tự giảng giải trấn an mình nói trong cơn rối trí. Thật là một bài hát đáng sợ!”

“Nói dối… mất tất cả có biết không hả?”

Một bài nữa cũng đang được liệt vào loại bài hát đáng sợ là “Nói dối.” Ngay mở đầu, bài hát xen đọc này đã hối thúc bằng điệp ngữ: “Nói dối… nói dối… nói dối… nói dối… nói dối… nói dối./ Nói dối làm tim tan nát, nói dối làm trái tim đau. Khi đã yêu nhau trong đời khi đã tin yêu thật rồi. Tại sao, tại sao, tại sao, tại sao anh lại nói dối, Vì sao, vì sao, vì sao. Vì sao anh lại dối em? Anh có biết em yêu nhiều lắm không? Anh có biết em đêm thầm nhớ mong nhưng sao anh lại lừa dối em?"

Dường như sau khi hỏi chán, cô gái bị nói dối tự đáp: “Nói dối là anh không yêu em, nói dối là anh không thương em, nói dối là anh không thật lòng nói dối mình đành xa cách. Nói dối vì anh có ai kia, nói dối vì anh muốn quên em. Nói dối mình xa nhau thật rồi. Tiếc nuối cũng đã muộn màng.”

Chị Hạnh Quyên, một nhà tâm lý ở Hà Nội đã nhận xét về ca khúc này: “Nếu dừng ở đoạn hát thì ca khúc còn 'được' coi là lảm nhảm trong luận đề mê sảng về nói dối. Nhưng bỗng có phần đọc rap thì sợ quá! Những câu: 'Anh xin thề anh không hề nói dối, anh xin thề anh không hề dối trá.... Nói dối… không tin… nói dối làm gì anh hỡi…' thật không hiểu nổi.

Lời vọng tiếp theo đã thô thiển: “Dối trá… điêu ngoa… dối trá mất nhau muôn đời.” Rồi lại rap đọc: “Một lần nói dối vạn lần mất tin, đừng nên nói dối bị người ta khinh. Hãy nên thật thà đừng nên nói dối. Có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả…”

Nếu tưởng là "thành công" với kiểu bài hát và nội dung như vậy rồi những “sao” này tiếp tục “xông lên” không ngừng thì không biết âm nhạc, thi ca Việt hiện đại sau khi bị bôi hề, sẽ đi về đâu?

Khi mà "ngồ ngộ, không phải nghĩ" là tiêu chí?

Thực tế càng nhiều người chê thì càng nhiều người tìm nghe xem nó thế nào? Rồi đám trẻ dùng để trêu nhau thành ra thuộc lời. Một bộ phận giới trẻ ít học coi còn trích dẫn lời bài hát nhố nhăng như triết lý vì đã thuộc…

Có thể chưa thấy hay nhưng nhiều bạn trẻ lại hào hứng đón nhận vì cho rằng nó ngồ ngộ. Có em còn bảo là “dễ thương.” Trong khi cha mẹ, thầy cô rất bực mình thấy những lời hát cứ yêu đương, oán trách cứ phơi bày khơi khơi thì đám trẻ lại truy cập rất nhiều để thỏa tò mò. Không ít em đã cài làm nhạc chuông nhạc chờ điện thoại và gửi tặng nhau rất vui vẻ.

Khi được hỏi, em Tuấn học sinh lớp 12 nói: “Chúng em cũng không thấy hay nhưng cũng thấy ngồ ngộ, vui vui. Nghe dễ hiểu, không phải nghĩ ngợi gì, quen rồi cũng thấy thích.” Như vậy, vấn đề là thứ “ngồ ngộ, vui vui” này cũng có ảnh hưởng khá sâu đến đám trẻ.

Cô giáo Vũ Thị Bình, Trường THPT Trần Phú ở Hoàn Kiếm, Hà Nội lo ngại: "Truyền hình, báo chí lên tiếng thì chỉ tác động đến những người đã có ý thức về văn hóa, đã 'dị ứng' với những thứ phản cảm. Còn những người trẻ thì chưa được hướng dẫn bao nhiêu… Thưởng thức nghệ thuật mà lấy 'ngồ ngộ, không phải nghĩ' làm tiêu chí thưởng thức, cảm thụ là phản văn hóa."

Anh Nguyễn Anh Sơn, một khán giả trung thành của nhiều chương trình ca nhạc lớn ở Hà Nội thẳng thắn: “Đau đớn nhất là các ca sĩ, nhạc sĩ đích thực sẽ thấy mình như bị xúc phạm khi tên tuổi được nhà tổ chức chương trình nào đó đặt ở bên những ca sĩ và tác giả viết ca khúc nông cạn về lời, cóp nhặt về nhạc. Hoặc các ca sĩ hát những bài đó kề bên các ca sĩ thực sự vì nghệ thuật. Nếu chậm loại trừ, e rằng các nhân vật thiếu văn hóa nhân danh sáng tạo nghệ thuật đang trộn sạn, rắc độc vào tâm hồn của không ít người trẻ chưa dễ phân biệt hay dở."

Trong một lần phóng viên Vietnam+ trao đổi cùng nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả của “Đất nước trọn niềm vui,” ông nói: “Lời của bài hát rất quan trọng, nó không thể là những lời đơn giản tuỳ tiện từ cuộc sống thường ngày. Lại càng không thể là những lời yêu thương vốn cần tế nhị và riêng tư bỗng cứ nói ra trơn tuột, dễ dãi.”

Ông Vương Duy Biên, Cục Trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: “Đã đến lúc cần loại trừ ra khỏi đời sống âm nhạc và nghệ thuật những con người không vì nghệ thuật, không vì âm nhạc. Họ đang làm vấy đen, làm lộn xộn một thị trường âm nhạc mà chưa có sự xuất hiện của những bài hát lủng củng, ngô nghê đó thì cũng đã cần chấn chỉnh, nâng cao rồi”./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục