Nô lệ tình dục đội lốt hôn nhân ở Ai Cập

Những chú rể luống tuổi Arập vùng Vịnh thường trả cho gia đình của cô dâu 150.000 Le Ai Cập để cưới một cô gái trinh tiết 17 tuổi.
Nô lệ tình dục, được gọi một cách mỹ miều là hôn nhân ở những làng quê nghèo thuộc tỉnh Giza kế bên trung tâm thủ đô Cairo (Ai Cập), là sự lựa chọn duy nhất để các ông bố bà mẹ túng quẫn vượt qua những nhọc nhằn kinh tế trước mắt.

Những người đàn ông giàu có đến từ các nước Arập vùng Vịnh được cho là "người chơi" chính và người bỏ vốn cho kiểu hôn nhân kinh khủng này: một người đàn ông ngoài 60 tuổi cưới một thiếu nữ trinh tiết 17 tuổi hoặc trẻ hơn. Thường thì con rể già hơn cả bố mẹ vợ.

Kiểu hôn nhân đáng lên án này đã biến những ngôi làng nghèo như Badrasheen và Hawamdiya thành mỏ vàng cho một đội quân môi giới và luật sư.

Những người môi giới có nhiệm vụ lùng sục khắp các ngôi làng để tìm "hàng", đáp ứng được các tiêu chí của người cầu hôn luống tuổi. Sau đó, luật sư sẽ tham gia khi phát hiện thấy cô gái chưa đến tuổi hôn nhân. Họ sẽ nhanh chóng cung cấp cho cô gái giấy khai sinh giả mạo để hợp thức hoá chuyện cưới xin.

Hình thức nô lệ tình dục được gọi mỹ miều là hôn nhân này đã làm thay đổi lối sống của hàng chục gia đình tại các làng quê, khích lệ những gia đình khác ép buộc con gái họ lấy những ông già, trong khi những gia đình có con một bề là trai thì cảm thấy bị lừa gạt.

Những ngôi nhà đắp đất truyền thống ngày càng hiếm dần, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng đang bắt đầu mọc lên nhanh chóng tại những ngôi làng này. Những chú rể luống tuổi Arập thường trả cho gia đình của cô dâu 150.000 Le Ai Cập (khoảng gần 500 triệu đồng Việt Nam) hoặc ít hơn một chút.

Bộ Gia đình và Dân số Ai Cập mới đây đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về thực trạng xã hội này. Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy hơn 74% các cô gái Ai Cập tại những ngôi làng nói trên lấy chồng là đàn ông từ các nước Arập vùng Vịnh.

Con quỷ sai khiến những ông bố bà mẹ tại các ngôi làng này được xác định là khó khăn kinh tế, mù chữ và thiếu nhận thức về các nguyên tắc tôn giáo.

Trước tình trạng những cô gái Ai Cập bị lạm dụng một cách thô bạo, năm 2008, Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo rằng hình thức hôn nhân này là hành vi cưỡng bức nhằm ép buộc các cô gái lấy chồng đáng tuổi cha hoặc ông của họ.

Những biểu hiệu sang trọng bên ngoài tại những ngôi làng này không thể che đậy được thực tế cay nghiệt là, trong nhiều trường hợp, những ông chồng Arập đã gửi trả các cô dâu trẻ con về quê nhà ở Ai Cập chỉ sau hai hoặc ba tháng trải qua cuộc sống hôn nhân. Thường thì chính các bà vợ cả là người quyết định tống cổ kẻ tình địch trẻ con về quê.

Các nhà hoạt động vì hạnh phúc gia đình cho rằng luật pháp không đủ để cứu những cô gái này khỏi bị làm nhục và lạm dụng, đồng thời kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực hơn nữa để chấm dứt tình trạng buôn bán nô lệ thời hiện đại này./.
Bùi Hoàn/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục